BÀI DỰ THI: Sắc màu khăn Piêu cô gái Thái

 4,173 lượt xem

Tôi là một người con gái Thái đen sinh ra và lớn lên trên núi rừng Tây Bắc đại ngàn. Nơi đây người dân “ăn cơm nắm, tắm cởi chuồng” sống hòa hợp với thiên nhiên. Trong quá trình lao động sản xuất và sinh hoạt của người dân đã tạo nên những nét văn hoá độc đáo. Đó là những lối sống dản dị; những phong tục, tập quán; ngôn ngữ; chữ viết hay vẻ đẹp của những câu hát, điệu múa, dân ca Thái,…Tôi đem lòng yêu mến những vẻ đẹp ấy, yêu mến sự chăm chỉ chịu khó của những người dân bán mặt cho đất bán lưng cho trời để chang trải cho cuộc sống. Đến nay tuy cuộc sống đã có nhiều thay đổi, những ngôi nhà sàn được thay thế bởi những ngôi nhà xây cao tầng, những phong tục, tập quán ngày càng biến đổi. Tuy nhiên người dân vẫn không quên đi những phong tục truyền thống mà cha ông ta để lại, họ vẫn tiếp tục bảo tồn và lưu truyền những nét đẹp ấy qua nhiều thế hệ.

Là một người con gái Thái đen tôi luôn cảm thấy tự hào mỗi nhắc đến cội nguồn của mình. Bên cạnh những vẻ đẹp của những câu hát, điệu múa Thái thì có một nét đẹp truyền thống của dân tộc mình mà tôi đem lòng yêu mến da diết. Đó là vẻ đẹp của chiếc khăn Piêu do chính tay người con gái Thái Đen tạo ra, Với người con gái Thái đen – Tây Bắc, khăn Piêu là một phần trong bộ trang phục, là điểm nhấn để tôn lên vẻ đẹp riêng có của người con gái:

“Em se sợi thành vóc hoa dâu
Em dệt cửi thành gấm vân chéo
Em dệt tơ thành đóa hoa vàng
Người các bản các phường muốn khóc
Đều ước ao được em thêu khăn”

                  (Dân ca Thái)

Những câu thơ ngọt ngào mà sâu lắng ấy được cất lên khi nhắc đến người con gái Thái Đen – Tây Bắc. Đó là những câu thơ tượng trưng cho sự khéo léo, tinh tế của người con gái khi làm ra những chiếc khăn Piêu của mình. Ai đã từng đặt chân lên Tây Bắc chắc hẳn không khỏi xiêu lòng bởi vẻ đẹp duyên dáng của những người con gái Thái đen trong bộ trang phục áo cóm, váy nhung, đầu đội khăn Piêu.

(Chiếc “Khăn piêu” của người Thái Đen)

Khăn Piêu là sản phẩm văn hóa in đậm bản sắc của dân tộc Thái. Theo quan niệm của người Thái đen, khăn Piêu không chỉ tô thêm vẻ đẹp của người con gái trong bộ trang phục áo cóm, khăn Piêu còn là tiêu chuẩn để đánh giá tài năng, phẩm hạnh, sự đảm đang của người con gái. Trong đời sống, khăn Piêu được coi như một món quà, một tín vật hay là nơi gửi gắm tâm tư, tình cảm của người con gái. Trong đời sống tâm linh, khăn Piêu đựơc dùng để đặt lễ như: Lễ tạ ơn, Lễ cúng ma nhà họ ngoại, sử dụng trong lễ  Xên phăn bẻ (chém cổ dê), lễ Xên bản, xên mường (cúng bản cúng mường)… Đặc biệt khi nhà có tang, khăn Piêu được dùng làm lễ vật trong tang lễ.

Khăn Piêu có ý nghĩa là vậy nên đối với người con gái Thái đen xưa, ngay từ lúc còn bé họ đã được mẹ hướng dẫn thêu, làm khăn Piêu kỹ càng từ đường kim mũi chỉ, cách pha màu sao cho hài hoà. Vì vậy từ khi biết cầm kim, se chỉ tôi đã được mẹ dạy cách thêu khăn. Việc học thêu khăn Piêu đối với các cô gái Thái là một quá trình nhận thức và rèn luyện đôi bàn tay khéo léo của mình. Nét hoa văn độc đáo trên chiếc khăn Piêu không những thể hiện sự khéo léo của các cô gái Thái, mà còn có thể đánh giá được người thiếu nữ có đảm đang, chăm chỉ hay không. Đến khi trưởng thành thì việc thêu thùa, may vá, dệt vải làm khăn đã được các cô gái Thái làm thành thạo.

Những sắc màu và hoa văn độc đáo trên chiếc khăn Piêu được kết hợp với nhau khéo léo. Đó là màu xanh của núi rừng, màu vàng của những nương lúa và màu trắng hồng của hoa ban. Để làm được chiếc khăn Piêu phải trải qua rất nhiều công đoạn hết sức tỉ mỉ. Vải làm khăn Piêu là vải trắng tự dệt với sợi nhỏ, mịn, thường dài một sải. Sau khi chọn được miếng vải ưng ý sẽ đến các công đoạn nhuộm vải công phu từ chàm để thu được sải vải màu đen. Không chỉ nhuộm vải, chỉ dùng để thêu khăn Piêu cũng được nhuộm kỳ công, màu sắc của chỉ cũng được lấy từ màu sắc của các loại cây cỏ, hoa lá có từ thiên nhiên. Tới khi vải khô, người con gái Thái mới bắt đầu thêu lên đó những hoa văn rực rỡ và bắt mắt. Khăn Piêu của người Thái đen không phải trang trí ở toàn bộ diện tích của khăn mà chỉ tập trung trang trí ở hai đầu. Khi thêu những hoa văn đa dạng lên hai đầu khăn, song trong quá trình thêu, người thêu có thể sáng tạo theo từng sở thích và tính cách của mỗi người. Điều đặc biệt trong việc tạo hoa văn trên mặt chiếc khăn Piêu là không thêu ở mặt phải như lối thêu thông thường mà lại thêu từ mặt trái, các hoa văn với đồ án và màu sắc phức tạp lại hiện lên ở mặt phải, đó là lối thêu truyền thống với trí tưởng tượng của kỹ thuật và mỹ thuật dân gian tài tình. Khăn Piêu được tạo theo lối luồn chỉ hay đan chỉ màu vào vải, nhưng cái khó là tính toán theo một nguyên tắc nhất định để luồn chỉ vào mặt trái và hoa văn lại hiện lên chính xác ở mặt phải. Vì thế, để thêu được một chiếc khăn Piêu đẹp theo lối truyền thống, đòi hỏi người con gái Thái phải nắm chắc nguyên tắc kỹ thuật đếm sợi vải, với nhiều loại hình khối hoa văn khác nhau như: hình quả trám, chữ dô, hình cây, hình hoa…Ðể làm nên một chiếc khăn Piêu hoàn chỉnh, đẹp mắt với đầy đủ các họa tiết, hoa văn, phải mất từ 2 đến 4 tuần. Thêu xong, chị em dùng vải đỏ làm nẹp viền theo mép khăn và đính cút piêu. Cút được làm từ một mảnh vải đỏ rộng, bên trong bọc lõi chỉ rồi cuộn tròn lại theo hình trôn ốc, gắn liền với các mép khăn. Theo quan niệm của người Thái, có 3 loại hoa văn được thêu trên mỗi chiếc khăn là “tà leo”, “cút piêu” và “sai peng”, trong đó, “tà leo” được coi là vật trừ đuổi tà ma, bảo vệ thần hồn cho người đội khăn, “cút piêu” là phẩm vật cao quý của người bề trên và “sai peng” là dây tình của đôi lứa.

(Hình ảnh “Cút piêu”, “tà leo”, “sai peng”)

Tùy từng vùng, từng địa phương và từng lứa tuổi mà khăn Piêu có những sắc thái riêng của nó, song tất cả đều có những hoa văn, họa tiết tương đồng với nhau. Các họa tiết thêu trên khăn Piêu sẽ đánh giá sự khéo léo hay vụng về của người con gái Thái. Cầm trên tay một chiếc khăn piêu mới thấy được sự tài tình của người con gái Thái. Chẳng thế mà khăn piêu không đơn giản là vật đội đầu mà còn là biểu tượng tín ngưỡng của người Thái đen.. Khi mặc trang phục truyền thống cùng với chếc áo cóm, người con gái Thái thường đội trên đầu khăn Piêu để tôn thêm vẻ đẹp duyên dáng; Khi đi rừng, làm nương, chiếc khăn Piêu như vị thần che chở cho người phụ nữ Thái trong lúc nắng, lúc mưa. Không chỉ gắn bó với cuộc sống thường ngày, bình dị của người dân, chiếc khăn Piêu còn là “vật tín”, minh chứng đặc biệt cho tình yêu đôi lứa. Chiếc khăn trở thành cái cớ để đôi trai gái hẹn ước, rồi yêu nhau.

Ngày nay, xã hội ngày một phát triển, lớp trẻ người Thái đen bây giờ nhiều người không biết thêu Piêu. Để gìn giữ và phát huy những giá trị của khăn Piêu trong đời sống, những năm gần đây, nhiều địa phương ở Tây Bắc đã quan tâm đầu tư phát triển làng nghề thủ công truyền thống, trong đó có nghề kéo sợi dệt vải, thêu dệt khăn Piêu, các mặt hàng thổ cẩm, đưa cuộc thi thêu Piêu thành một trong các nội dung chính trong các dịp lễ hội của bản mường. Hằng năm, khi mùa xuân về, Thành phố Sơn La thường tổ chức “Lễ hội Mùa hoa ban”, trong Lễ hội này luôn có phần thi hết sức độc đáo “Thi thêu khăn Piêu” với mục đích bảo tồn, gìn giữ, phát huy nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Thái, là cơ hội để các thí sinh giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm thêu khăn. Đồng thời, giúp du khách hiểu thêm về giá trị của khăn Piêu trong đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc Thái.

(Thiếu nữ duyên dáng bên chiếc khăn piêu xinh đẹp)

Mặc dù cuộc sống đã có nhiều thay đổi, với nhiều trang phục hiện đại, đa dạng, tiện dụng làm ảnh hưởng không ít đến việc bảo tồn và lưu giữ trang phục truyền thống của đồng bào Thái đen. Nhưng khăn Piêu vẫn không thể thiếu trong đời sống tâm linh của đồng bào Thái đen và luôn được chị em phụ nữ Thái tiếp tục thêu dệt như chính công việc đời thường của họ. Cho dù đi đâu, làm gì người con gái vẫn luôn đội trên đầu chiếc khăn Piêu truyền thống của dân tộc và đó là niềm tự hào, bản sắc riêng biệt của dân tộc mình. Bởi khăn piêu là một tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời do bàn tay khéo léo của người con gái tạo nên, vừa tôn vinh vẻ đẹp của người con giái Thái đen vừa tạo nên một sản phẩm văn hóa và tinh thần in đậm bản sắc của dân tộc Thái.

Tôi rất vui khi được sinh ra trên mảnh đất này, tự hào khi được là người con dân tộc Thái. Tôi mong rằng vẻ đẹp của chiếc khăn Piêu sẽ luôn được bảo tồn và phát triển để sánh vai với quê hương đất nước. Tôi hy vọng những lớp trẻ đi sau sẽ không quên đi cách cầm kim, se chỉ để tạo ra những chiếc khăn piêu xinh đẹp của dân tộc mình.

Tác giả: Minh Nga

Lớp: K58 ĐHGD Mầm non A

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Categories Góc chia sẻ/Nữ sinh dân tộc thiểu số/Tin tức - Sự kiện

Tác giả: Dự án Nữ sinh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *