BÀI DỰ THI: Nơi tôi sinh ra…!!!

 780 lượt xem

 

Trên dải đất Việt Nam thân yêu hình chữ S có một nơi được mệnh danh là Thị xã nhỏ nhất đất nước với tên gọi Thị xã Mường Lay. Nơi đây đã từng được các nhà thơ, nhà văn lấy ngôn từ của mình để ca ngợi như thi sĩ Trần Mạnh Hảo với bài thơ Gửi Lai Châu:

“Nơi sông Đà vặn mình rung núi

Lối Ma Ly Pho là sợi chỉ xuyên qua sống váy Mèo

Thị xã nhỏ như chiếc áo cài trên ngực đất nước

Núi hai đầu mây đến đá lông nheo”

(Đoạn trích bài Gửi Lai Châu của Trần Mạnh Hảo)

Mường Lay – Nét đặc sắc trong văn hóa Thái trắng

Thị xã Mường Lay trong tiếng Thái gọi là “Mường trôi” nằm ở phía Bắc tỉnh Điện Biên, trong một thung lũng hẹp, dài. Nơi giao thoa giữa sông Đà, sông Nậm Na và suối Nậm Lay.

Đến với Mường Lay, bạn sẽ được ngắm nhìn những dãy nhà sàn lợp ngói đá, mái sát mái dọc hai bên lòng hồ yên bình và thơ mộng, tạo nên “thung lũng nhà sàn” có một không hai của núi rừng Tây Bắc. Vào mùa nước lên, nếu đã đến với Mường Lay bạn đừng bỏ lỡ cơ hội du ngoạn bằng thuyền trên lòng hồ để được phiêu lãng giữa mênh mang sông nước, núi rừng trùng điệp. Được nghe người bản địa ngân nga câu chuyện đậm sắc màu huyền sử về dòng Đà Giang hung dữ xưa kia. Giờ đã hiền hòa và phẳng lặng tạo cho Mường Lay một bức tranh sơn thủy hữu tình. Nơi đây, những con người xứ Thái vô cùng niềm nở, nghị lực và chất phác. Dù cuộc sống vẫn còn nhiều gian truân, khó nhọc phải làm nương rẫy bán mặt cho đất bán lưng cho trời nhưng người dân vẫn chăm chỉ, cố gắng từng ngày tự tạo thêm thu nhập cho mình bằng cách nuôi và đánh bắt cá tôm trên dòng sông Đà, chăn nuôi gia súc gia cầm.

Ngoài cảnh sắc thiên nhiên trữ tình, con người trìu mến. Nơi đây còn lưu giữ lại được những bản sắc văn hóa, những lễ hội truyền thống của người dân tộc Thái trắng. Đầu tiên phải kể đến những điệu múa (tiếng Thái gọi là xẹ) gồm có các điệu múa như xẹ khăn mềm mại, uyển chuyển của thiếu nữ Thái, xẹ mạ hính, xẹ trỏng, xẹ tính tảu. Bên cạnh những điệu múa làm say đắm lòng người thì còn có những bài hát thái nhẹ nhàng, du dương (tiếng thái gọi là Khắp tạy). Khắp tạy là lối ngâm thơ, hát theo lời thơ hay tự sáng tác lời có thể đệm đàn tính tẩu. Và thường hát trong dịp lễ Tết, cưới hỏi hay cả những ngày sinh hoạt đời thường.

Người Thái trắng Mường Lay vẫn luôn lưu giữ và mặc những trang phục truyền thống của dân tộc mình. Đó là nam giới mặc áo chàm đen, đầu cuốn khăn bằng một tấm vải chàm. Còn nữ thì mặc áo cóm và váy được các bà, các mẹ tự tay cắt và may với hàng cúc bạc lấp lánh, thân áo xiết eo tôn lên vẻ đẹp người con gái Thái dịu dàng, tinh khôi như sắc trắng hoa ban. Ngoài ra, phụ nữ thái còn có thêm xửa chại hay xửa lông làm bằng vải đen, áo này chỉ dùng trong dịp cưới hỏi, cúng Mường. Để tô điểm thêm vẻ đẹp dịu dàng ấy, người Thái trắng với đôi bàn tay khéo léo đã tự tạo cho mình những trang sức riêng như tóng hu (hoa tai), tóng khen, ngựn khen (vòng tay) làm bằng bạc được chạm trổ hình chim muông, cây cỏ một cách tỉ mỉ và vô cùng tinh xảo. Không chỉ lưu giữ được các điệu múa, câu hát, các trang phục dân tộc Thái trắng mà người dân còn chọn lọc và gìn giữ những lễ hội truyền thống như “Lễ hội đua thuyền đuôi én Thị xã Mường Lay” phục dựng lại năm 2015 được tổ chức thường niên vào đầu năm mới để cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, cuộc sống bình yên; hay Lễ Kin Pang Then” thường diễn ra vào dịp đầu xuân là thời điểm đẹp nhất của mùa xuân. Khi hoa ban nở trắng núi rừng, tiết trời mát mẻ, vạn vật sinh sôi là lúc thầy Then trần gian tổ chức Lễ Kin Pang Then” để gặp mặt các con nuôi về mừng mệnh Then được “vững như trụ bạc, chắc như trụ vàng”, để tạ ơn ông Then, bà Then và cầu mưa, cầu mùa, cầu phúc, cầu lộc cho gia đình và bản mường… Tuy nhỏ bé nhưng Thị xã Mường Lay đã có 2 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia đó là Nghệ thuật xòe Thái và “Lễ hội Kin Pang Then của người Thái trắng.

Hương vị Mường Lay đắm say lòng người

Mỗi vùng miền đều có những đặc sản, những ẩm thực riêng và Mường Lay cũng vậy. Nơi đây có những món ăn mang hương vị riêng của núi rừng Tây Bắc đã níu chân những thực khách xa sứ mỗi lần ghé qua đây. Một số món ăn như nhắm pho là thịt lợn được băm sau đó cho lá gừng thái nhỏ, muối, mì chính gói trong lá chuối rồi phủ lớp tro ấm bao bọc. Khi ăn ta sẽ cảm nhận được hơi ấm của lá gừng hòa quyện thêm chút mùi thơm dịu nhẹ của lá chuối. Hay món năng táp được làm từ bì trâu đã được làm sạch, sau đó thái nhỏ ngâm trong nước giấm chua để bì mềm rồi đem trộn cùng với muối mì, mắc khén, hạt rổi, má cọ và một chút rau thơm như rau mùi, cây mu tấn. Rồi món lạp còn được gọi với tên khác là món chay, có lạp sống và lạp chín được làm bằng thịt trâu hoặc thịt lợn băm nhỏ cho một chút nước để thịt chín (nếu làm lạp sống thì không cần nấu), thái bì trâu hoặc bì lợn trộn cùng và thêm muối mì, mắc khén, ớt, rau thơm. Ngoài ra còn có các sản vật từ thiên nhiên ban tặng cho vùng đất này để làm nên những món ăn riêng như hoa ban với món nộm hoa ban và măng đắng, Bó Kẹ làm món thịt nhồi bó kẹ hay nộp rau sắn với quả lúc lắc.

Đặc biệt, Mường Lay còn có một thứ bánh khiến bao người nhớ mãi. Khi được ăn lần đầu, đều mong muốn có cơ hội được thưởng thức thêm, đó là Khẩu chí chọp và khẩu xén. Thường được làm mỗi dịp Tết đến, Xuân về để đãi khách, làm quà biếu cho người thân, bạn bè từ phương xa tới chúc Tết. Khẩu chí chọp có cách làm rất đơn giản chỉ cần có gạo tẻ nấu chín xong để hơi nguội, làm thành những miếng hình tròn nhỏ bằng bàn tay đặt trên lá chuối tươi, đem phơi khô. Còn khẩu xén cần sự kiên trì, tỉ mẩn hơn làm khẩu chí chọp. Khẩu xén có thể được làm từ nhiều loại nguyên liệu như gạo nếp cẩm có màu đen tuyền, gạo nếp nương có màu trắng hoặc pha thêm gấc để có màu cam, thêm màu của cây lá nếp để có màu tím hay màu vàng của hoa phón (Bó phón). Đậm đà hơn là Khẩn Xén làm từ sắn tươi, được rất nhiều người ưa chuộng. Gạo nếp hay sắn tươi bóc vỏ được đồ chín rồi giã, nghiền thành bột mịn cùng với đường để tạo độ ngọt, một vài quả trứng gà hay trứng vịt sống để tạo độ phồng cho bánh. Rồi đem về lăn trên những tấm bạt trắng phết một chút mỡ lợn với lòng đỏ trứng gà đã luộc chín thành hình tròn hay hình vuông tùy theo kích thước người làm. Khẩu xén được phơi trên những tấm lưới thoáng khí, chỉ phơi bánh với độ vừa phải khi sờ vẫn cảm thấy mềm thì mang đi cắt thành hình bình hành hay hình bông hoa. Sau đó, lại phơi khô cho đến khi đảo bánh trên tấm lưới có tiếng lào xào là đã hoàn thiện. Nhìn chiếc bánh mỏng, rán lên có màu vàng nhạt, khi ăn thì ròn tan mới thấy hết được sự khéo léo của người phụ nữ. Vào những ngày tiết trời mát mẻ, thi thoảng các mẹ cũng tụ họp đem Khẩu xén đi chiên phồng rồi ngồi bờ hồ ngắm cảnh sông nước hay những đêm trăng rằm chiếu rọi xuống bản cùng nhau ôn lại kỉ niệm ngày xưa hay đơn thuần kể cho nhau nghe những câu chuyện đời thường.

Lời tri ân…!!!

Em là cô gái dân tộc Thái, sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Mường Lay yêu dấu.

Em vẫn nhớ hình ảnh Mường Lay thời xa vắng trước khi thực hiện cuộc thiên di về nơi ở mới. Lúc đó, em được sống tại mảnh đất xưa cho đến hết thời cấp một. Vì hồi đó còn nhỏ nên trong em không đọng nhiều kí ức. Nhưng điều em nhớ nhất vẫn là hình ảnh sự lam lũ khổ nhọc của người dân tộc Thái Mường lay. Thời đó, đa số người dân đều phụ thuộc vào nghề nông, quang năm suốt tháng chỉ biết đi làm ruộng, cuốc nương trồng ngô. Gia đình em, bố mẹ cũng đều là nông dân nuôi ba chị em bằng những giọt mồ hôi lam lũ, đôi vai gầy phơi nắng phơi sương cùng đôi bàn tay chai sạn theo năm tháng. Mặc dù nghèo khó vậy. Nhưng bố mẹ luôn cố gắng nuôi ba chị em được đi học như các bạn cùng trang lứa. Luôn thúc đẩy chúng em bằng một câu nói “Bố mẹ khổ rồi nên các con được đi học thì phải cố gắng hết sức, để sau này nghĩ lại không phải hối hận” khiến em nhớ mãi đến tận bây giờ. Câu nói có vẻ đơn giản thôi nhưng chất chứa trong đó là bao cảm xúc, bao niềm hi vọng với mong muốn chúng em thành người. Em lên cấp hai cũng là lúc bắt đầu cuộc thiên di của Mường Lay về nơi ở mới nhường mảnh đất xưa cho lòng hồ Thủy điện Sơn La. Lúc này, câu nói của bố mẹ đã dần thấm vào trong tâm trí em. Khiến bản thân mình bắt đầu tự vạch ra những kế hoạch và mục đích cho riêng mình. Bằng cách chăm chỉ học tập, tham gia các cuộc thi để có những món quà như sách vở hay một chút tiền thưởng để trang trải, đỡ đần một phần nào cùng bố mẹ. Lên cấp ba vẫn mục tiêu ấy, nhưng lại có thêm những hoài bão mới của tuổi trẻ cố gắng thi vào Đại học để tiếp tục thực hiện ước mơ của mình.

Nhìn lại quãng thời gian vừa qua, em muốn gửi lời tri ân sâu sắc tới tất cả các thầy cô thời cấp một, cấp hai, cấp ba và Đại học đã dìu dắt, hỗ trợ, giúp đỡ em – một cô gái Thái dân tộc thiểu số còn nhiều thiếu sót. Và cũng nhờ các thầy cô luôn tạo cơ hội cho em tham gia các hoạt động Đoàn – Hội nên bản thân cũng trưởng thành hơn, cũng học hỏi được nhiều hơn. Cảm ơn bố mẹ đã cho con có những năm tháng thanh xuân tươi đẹp, đã cho con cơ hội được làm điều mình muốn.

 

Lò Khánh Linh

K58 ĐHSP Ngữ văn

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Categories Góc chia sẻ/Nữ sinh dân tộc thiểu số/Tin tức - Sự kiện

Tác giả: Dự án Nữ sinh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *