BÀI DỰ THI: Bàn tay vàng khéo léo của cô gái Thái Đen

 2,992 lượt xem

Mỗi dân tộc trên thế đều mang sắc thái văn hóa độc đáo của mình qua trang phục. Cùng với ngôn ngữ, trang phục là dấu hiệu thông tin quan trọng thứ hai để chúng ta dễ nhận biết tộc người này và tộc người khác mỗi khi dịp tiếp xúc.

Chiếc khăn Piêu đội đầu là vật làm duyên của các cô gái Thái ở Tây Bắc. Ngày nay cuộc sống đổi thay nhiều, những nếp nhà sàn của người Thái đen không còn lợp bằng lá thay vào đó là ngói hoặc tôn. Bộ trang phục cũng được cải tiến đi nhiều cho phù hợp với công việc lao động sản xuất hàng ngày.

Tôi rất tự hào khi được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất phố núi tình yêu (Mường La) có ánh nắng chiều Sơn La nơi tôi sinh ra có biết bao nhiêu điều kỳ diệu, có công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á hay cùng tôi khám phá theo dòng sông Đà. Vào mùa Xuân cùng ngắm những đồi hoa ban với những món ăn đặc sản, phát triển được như ngày hôm nay đã biết bao nhiêu thử thách nơi đây đang dần đổi mới. Sơn La vẫn đang phát triển nột thành phố ngập tràn ánh điện, với phố nối uy nga và người dân thân thiện…

Người Thái cư trú ở nhiều nơi trên đất nước ta nhưng tập trung đông nhất là ở các tỉnh Tây Bắc : Sơn La, Lai Châu, Lào Cai, Điện Biên…Ngoại trừ một bộ phận phụ nữ dân tộc Thái trắng đội nón tát thì đa số phụ nữ Thái Mường Thanh (Điện Biên), Mường La (Sơn La), Mường Lò (Yên Bái), đều đội khăn vải. Khăn vải dùng để đội trên đầu người Thái gọi là Piêu. Piêu có nhiều loại khác nhau, có loại được thêu hoa văn bằng chỉ màu sặc sỡ, có loại chỉ là tấm vải vuông nhuộm chàm, tùy từng vùng, từng địa phương mà Piêu có những sắc thái riêng của nó. Piêu là bộ trang sức quan trọng làm tăng lên vẻ đẹp của các cô gái Thái trong sinh hoạt hàng ngày, nhất là lúc đi chơi hay dự lễ hội…

Hình ảnh của cô trò trong nhóm thêu của Cô Lường Hoài Thanh trong buổi trưng bày sản phẩm những chiếc khăn Piêu tại trường  Đại Học Tây Bắc.

Đồng bào Thái làm Piêu từ loại vải vuông tự dệt. Trước khi thêu, miếng vải được chọn làm khăn đội đều phải nhuộm chàm theo các môtip. Chàm là màu nền để trên đó người phụ nữ Thái thêu lên các họa tiết, hoa văn bằng các loại chỉ màu (trắng, xanh, đỏ, vàng, tím,cam) ở hai đầu khăn. Để có một chiếc khăn Piêu hoàn chỉnh, phụ nữ Thái phải mất thời gian từ hai đến ba tuần.  Piêu Thái được tập trung trang trí ở hai đầu. Trước khi thêu phải ghép mảnh vải đỏ để làm viền, vừa bọc cho sợi ở các đầu khăn khỏi bị xổ ra, vừa giới hạn diện tích trang trí đầu khăn. Phụ nữ Thái dùng lối khăn luồn rất khéo léo để hạn chế mức tối đa đường chỉ lộ ra ngoài để cho đường viền màu đỏ và nền chàm của khăn liền làm một. Trước khi thêu, chị em làm những chiếc cút để đính vào Piêu, có thể là nhiều cút Piêu cùng một lúc rồi dùng dần. Cút Piêu được làm từ mảnh vải đỏ rộng khoảng  1cm, bên trong bọc lõi chỉ rồi cuộn tròn lại, cuộn vải tròn được khâu vắt thành hình tròn rồi cuốn dây vải lại theo hình trôn ốc sau đó được cuốn thêm các loại chỉ màu thành các mũi quanh hình tròn. Các cút sau khi làm xong được ghép lại rất khéo léo vào đầu Piêu, ta rất khó đoán nhận ra được các mạch chỉ khâu ghép các đường trang trí với nhau.

Các loại đường khâu đều do phụ nữ Thái tự sáng tạo, có nhiều kiểu: móc xích,, hình hoa,hình sao, rau cỏ bợ, xương cá, chân rết… Các cút Piêu trước hết được đặt trên ba đoạn thẳng của mỗi đầu khăn. Còn chính bốn góc của khăn, chị em thường  xếp cút Piêu thành từng chùm lẻ 3 hoặc 5 cái trên vị trí bốn góc của chiếc khăn, cút Piêu được thiết kế  theo quan niệm số lẻ. Bình thường phụ nữ Thái đội Piêu có cút chùm 3, nhưng họ quan niệm khi tặng Piêu cho người bậc trên, người mình quý trọng, kính yêu thì phải 5 chùm trở lên…Trong đám cưới của người Thái, khăn Piêu là tặng vật quý của con dâu dành tặng cho bố mẹ chồng và anh em nhà chồng.

Dưới đây chính là hình ảnh cút Piêu lẻ 5 cái

Người phụ nữ Thái có thể đội khăn Piêu theo nhiều kiểu khác nhau. Chiếc khăn Piêu, với những đường thêu khéo léo làm tăng thêm vẻ đẹp hồn nhiên của những người cô gái Thái vùng sơn cước. Khi tham gia vào các vòng múa xòe , trên vai các bà, các mẹ, các chị và các cô gái Thái không thể thiếu những chiếc khăn Piêu. Một cô gái Thái có thể còn nhiều vụng về trong công việc nội trợ , nhưng không thể  không biết làm thổ cẩm và khăn Piêu. Chiếc khăn Piêu giống như thước đo về sự khéo léo , chăm chỉ và tấm lòng của cô dâu khi về nhà chồng . Con gái Thái từ 6-7 tuổi phải làm quen với bông sợi dệt vải từ 10 tuổi phải bắt tay vào thêu thùa. Học thêu piêu với các cô gái Thái là một quá trình nhận thức và rèn luyện  đôi bàn tay khéo léo của mình để chuẩn bị bước vào đời. Qua chiếc Piêu có thể biết được chủ nhân  của nó là người tài hoa, siêng năng, chịu khó hay là người lười nhác, vụng dại.

Hình ảnh Chiếc khăn Piêu trong dịp lễ Cưới của em.

Khăn Piêu không chỉ mang giá trị thẩm mỹ mà còn mang tính xã hội, cùng với váy, áo, nón đội, thắt lưng, Piêu góp phần tạo nên một nét đẹp, một sắc thái riêng, hấp dẫn về trang phục dân tộc của người Thái. Trong đời sống tình cảm của người Thái, trai gái yêu nhau còn nhờ chiếc khăn Piêu nói hộ lòng mình. Lúc xa  nhau, các cô gái Thái thường tặng cho chàng trai mình yêu mến chiếc khăn Piêu đẹp nhất chiếc Piêu từ lúc đó trở thành cầu nối tình yêu của  họ…Khăn piêu không chỉ sử dụng trong các sinh hoạt hàng ngày mà cong dùng trong việc lễ, việc tang. Khăn Piêu còn dùng làm vật mang theo cho người chết và con cháu phải đội khăn Piêu trong tang ma. Cuộc sống hiện đại nhưng chiếc khăn Piêu vẫn gắn liền với người phụ nữ Thái đen.

Có một bài dân ca nói về chiếc khăn Piêu, chiếc khăn đội đầu, vật trang sức quan trọng gắn bó với đời sống của cô gái Thái:

“ Em xe sợi thành vóc hoa dâu

Em dệt cửi thành gấm vân chéo

Em dệt tơ thành đóa hoa vàng

Người các bản các mường muốn khóc

Điều ước ao được em thêu khăn”.

Từ bài dân ca một câu nhạc với chất liệu ban đầu đã hay, đạt độ cao của thẩm mỹ, tiếp đến lại được bút pháp của nhạc sỹ Doãn Nho chắp nối sáng tạo thêm, nên bài “ Chiếc Khăn Piêu” cho đến nay  vẫn được khán giả yêu thích.

Lời hát rằng (phỏng dịch) và đặt lời mới của Doãn Nho:

Nghe con chim cúc cu

Kìa nó  hót lên một câu rằng

Nối duyên nhau thời tôi chờ…hú

Tiếng tôi vang rừng núi

Sao không ai trả lời…

Nhắn tin theo làn gió

Khăn còn đây đợi người… A chi ơi.

Khi trai gái yêu nhau, họ nhờ chiếc khăn Piêu nói hộ lòng mình. Lúc xa nhau, các cô gái Thái thường tặng chàng trai chiếc khăn đẹp nhất. Đối với  chàng trai khăn Piêu ghi dấu tài hoa, hơi ấm bàn tay cô  gái mình yêu khi yêu mà không lấy được nhau, cô gái đến xin lại chiếc khăn Piêu của mình đã tặng. Chuyện tình yêu của trai gái lãng mạn, mãnh liệt nhưng cũng rất mộc mạc, đằm thắm qua chiếc khăn Piêu. Khăn Piêu vừa là nét đẹp trang phục  truyền thống, vừa thể hiện tinh hoa văn hóa  ứng xử cần được nâng niu và giữ gìn.

Bàn tay khéo léo của những cô gái Thái đen  Sơn La

                                                Hoàng Thủy

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Categories Bình đẳng giới/Góc chia sẻ/Nữ sinh dân tộc thiểu số/Tin tức - Sự kiện

Tác giả: Dự án Nữ sinh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *