Bài dự thi: Tự hào nét văn hóa của người dân tộc Xinh Mun ở Yên Châu, Sơn La

 11,638 lượt xem

Tôi sinh ra và lớn lên tại bản Nà Đít xã Chiềng On, nơi đây là một xã vùng cao biên giới của huyện Yên Châu anh hùng và cũng là nơi đồng bào dân tộc Xinh Mun chúng tôi sinh sống từ lâu đời. Tôi luôn tự hào mình là người con dân tộc Xinh Mun, tự hào vì những nét văn hóa của dân tộc mình. Tuy rằng văn hóa Xinh Mun chịu nhiều ảnh hưởng của văn hóa Thái vì hai dân tộc vốn sinh sống gần nhau nên có nhiều nét giao thoa văn hoá, nhưng không vì thế mà người Xinh Mun ở Chiềng On,Yên Châu làm mai một đi nét văn hóa vốn có, ngược lại người Xinh Mun chúng tôi vẫn giữ được những nét văn hóa độc đáo của riêng mình. Nét văn hóa của dân tộc Xinh Mun được thể hiện qua nhiều lễ hội, trong đó tôi xin được kể đến Lễ hội Ksaisatíp – nét văn hóa đặc sắc của người Xinh Mun ở Yên Châu, Sơn La.

Quê hương tôi bản Nà Đít, xã Chiềng On, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La

Người Xinh Mun chúng tôi chủ yếu sống bằng nghề làm nương rẫy, trồng lúa nếp và ngô là chính, cũng như nhiều dân tộc khác, đồng bào chúng tôi theo quan niệm vạn vật hữu linh và tin rằng các cánh rừng, con suối.. đều có thần linh cai quản. Do vậy khi mùa màng đã thu hoạch xong, năm nào cũng được mùa, lúa ngô, nuôi được nhiều gà, lợn… bản làng của tôi sẽ tổ chức Lễ hội Ksaisatíp.

Trong trí nhớ của tôi, lễ hội này được tổ chức vào khoảng từ tháng 11 đến tháng 1 âm lịch, khi đó cũng là lúc xuân đã sang, hoa đào đã vãn, hoa ban đã nở trắng sườn non và măng đắng đã mọc ngoài rừng.

Hoa Ban là loại hoa chủ đạo trong lễ hội Ksaisatip

Lễ hội này bắt đầu có từ bao giờ thì chẳng ai nhớ được, qua lời kể của bà cụ nội của tôi thì lễ hội Ksaisatíp của dân tộc chúng tôi đã qua rất nhiều đời, vì vậy, người Xinh Mun chúng tôi  rất tự hào về nét văn hóa tiêu biểu, đặc sắc nhất của dân tộc mình. Ở bản của tôi, đến dự lễ hội Ksaisatíp dù là chủ hay khách đều được đối xử bình đẳng như nhau, đều được tham gia vào những sinh hoạt văn hóa tập thể lành mạnh, góp phần tích cực vào việc vun đắp tình đoàn kết cộng đồng, giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn, tạo ra bầu không khí vui tươi phấn khởi, hướng người dân theo những cái thiện, xa rời cái xấu. Vì vậy mà những người dân nơi quê hương tôi, những người nông dân hiền lành, chất phác, không học nhiều hiểu rộng nhưng luôn dạy con cháu hướng thiện, hiếu thảo với cha mẹ, ông bà, trở thành những người công dân có ích cho xã hội.

Là một người con của bản làng, tôi đã nhiều lần tham gia Lễ hội Ksaisatíp, lễ hội này được tổ chức trong từng nhà, là dịp hội tụ dân bản vì ai cũng tự giác tham gia, ai làm trái lệ dễ bị chê cười, ghét bỏ, thậm chí có thể bị loại ra khỏi cộng đồng. Có lẽ vì thế mà từ ngày tôi còn bé cho đến giờ, mỗi dịp lễ hội đến là cả bản, từ các ông, bà già, thanh niên nam nữ, trẻ nhỏ… mọi người đều tham dự với tinh thần tự giác, hăng say, nhiệt tình.Và có lẽ đối với riêng tôi – một cô gái luôn mang trong  mình tình yêu quê hương, bản làng thì mỗi dịp lễ hội là mỗi thời gian tôi cảm thấy hạnh phúc nhất trong năm.

Lễ hội của chúng tôi không tốn kém vì được tổ chức đơn giản. Mâm lễ hội một món cúng thần linh, tổ tiên có tính bắt buộc, gồm:

  • Hai con gà luộc
  • Một “ếp” xôi gạo mới
  • Một đĩa trầu cau
  • Ba chum rượu cần
  • Hai bát canh nấu từ hoa ban và măng đắng

Một cây nêu cao 4-5m dựng ở giữa nhà, được trang trí  bằng những lá xanh, những cành hoa ban buộc gài kín cây nêu, ngoài ra còn gài thêm những bông lúa nếp vàng được giữ nguyên sau khi gặt mùa năm trước, xung quanh cây nêu có ba vò rượu cần, đặc biệt có từ 3 đến 5 “bàn sang” – một loại nhạc cụ được “chế tạo” từ các chum, vò con, bên trong được làm bằng mảnh đồng mỏng, hình tròn đục thủng một lỗ ở cạnh mép nắp, để xỏ dây vào khi gõ một tay cầm dây nâng lên, hạ xuống trên miệng chum, tay bên kia cầm 1 que tre gõ nhịp nhàng lên nắp chum, tạo nên một âm hưởng quyện vào tiếng trống, tiếng chiêng lúc bổng, lúc trầm, lúc dịu dàng, lúc du dương…

Các ông, các bà uống rượu cần quanh cây nêu giữa nhà

Cũng giống như các lễ hội khác, Lễ hội Ksaisatíp của người Xinh Mun chúng tôi gồm hai phần: Lễ và Hội. Phần lễ trang nghiêm, thành kính, thầy mo thay mặt dân bản cúng tế các vị thần linh phù hộ cho mưa thuận gió hòa, để lúa sai bông, để ngô mẩy hạt, để lợn gà trâu bò không bị dịch bệnh, sinh sôi đầy chuồng, để con người khỏe mạnh không bị ốm đau, để bản mường mãi mãi hưng thịnh… Tôi còn nhớ vào năm 2002, ngày ấy tôi còn là một cô bé 3 tuổi và đó  cũng là lần đầu tiên tôi được tham gia lễ hội, lễ hội Ksaisatíp được tổ chức tại nhà ông bà ngoại của tôi, và bà ngoại tôi chính là thầy mo của lễ hội ngày hôm ấy.

Bà ngoại tôi – thầy mo của lễ hội Ksaisatíp hôm ấy

Khi vào lễ , chủ lễ và cũng là thầy mo ngồi nghiêm chỉnh bên cạnh mâm lễ khấn bằng tiếng Xinh Mun, và câu khấn này được dịch ra tiếng Kinh như sau:

Hỡi người trông coi ở tầng dưới hãy lên để trông coi cho ta hôm nay làm Lễ Ksai Sa Típ

Thần linh hãy bảo vệ

Hãy ăn hoa thay cơm

Uống rượu thay măng

Ăn hương thay hương thơm

Ăn hương nếp thay cơm

Ăn rồi hãy bảo vệ cho cuộc vui lành mạnh, cho hết ốm đau, cho vui trọn vẹn

Người lớn bảo nhau, trẻ em nghe lời người lớn

Được vậy thì ước gì cũng có, sống lâu muôn tuổi

Hỡi thần linh hãy bảo vệ hãy ngồi mâm đây ăn thịt, ăn hoa, ăn hương thơm

Hãy phù hộ cho con cháu khỏe như con gấu trong rừng, chạy nhanh như con hoẵng ngoài núi

Rời mâm cỗ cúng ở góc nhà sàn, chủ lễ bước đến cạnh cây nêu giữa nhà, vít cần rượu nói lời mời tổ tiên uống trước bằng những lời trân trọng, thiết tha:  Hỡi tổ tiên, hôm nay ngày lành tháng tốt, ngày sản xuất đã được nhìn thấy kết quả, con cháu làm lễ hội Ksai Sa típ, tổ tiên hãy đến bảo vệ cho con cháu ăn uống vui vẻ, vui chơi thoả mái, nhưng xin hãy đừng để cho ai uống say làm náo loạn bản mường, cãi cọ nhau làm xấu hổ mọi người, năm nay vui, năm mới vui tiếp, như thế mới vui bản yên mường, ai cũng sống lâu muôn tuổi, gìn giữ cuộc sống, chống lại thú rừng, người xấu quấy phá. Chủ lễ tiếp tục mời thần linh uống rượu: “Hỡi thần linh, bảo vệ ta, hãy bảo vệ ta đến cùng, xin mời thần linh uống rượu cùng ta”.

Sau khi mời tổ tiên, thần linh uống rượu xong, chủ lễ trân trọng mời ba “già bản” có uy tín trong dòng họ, trong bản mường, sau đó mời đến con cháu, và toàn thể dân bản đến dự lễ hội uống rượu.

Tôi còn nhớ, kết thúc phần Lễ là bước vào phần Hội, cùng lúc tiệc rượu bắt đầu là tiếng chiêng, tiếng trống, tiếng nhạc từ nhạc cụ “bàn sang” nổi lên, mọi người nắm tay bắt đầu múa xòe xung quanh cây nêu giữa nhà. Xèo khoảng 1 giờ, tiếng trống tiếng nhạc trầm dần, họ lại mời nhau uống rượu cần, rồi lại tiếp tục xòe, hết đợt này đến đợt khác, kéo dài đến lúc phương đông hửng sáng mới kết thúc, mọi người hoan hỉ xuồng cầu thang về nhà, để đến hôm sau lại đến dự lễ hội ở nhà người trong họ hoặc cùng mường cho đến khi hoa ban bên sườn núi đã tàn, măng đắng ở trong rừng đã mọc cao.

Mọi người nắm tay múa xòe xung quanh cây nêu giữa nhà

Kể từ ngày đi học xa nhà tôi không còn thường xuyên được tham gia lễ hội Ksaisatíp,nhưng tôi vẫn cảm thấy thật may mắn và hạnh phúc. May mắn vì được đi học, may mắn vì được khám phá nhiều điều ở thế giới bên ngoài bản làng mình. Hạnh phúc vì tôi có cơ hội viết bài viết này, hạnh phúc vì được kể cho các bạn nghe về lễ hội của dân tộc để các bạn có thể hiểu thêm về văn hóa của dân tộc Xinh Mun chúng tôi – một trong những dân tộc thiểu số ít được biết đến.

Khi đang ngồi viết bài viết này cũng là khi tôi nhớ về lễ hội Ksaisatíp năm nào, được đắm mình trong tiếng chiêng, tiếng trống, tay trong tay cùng mọi người trong điệu xòe hoa khiến tôi cảm thấy yêu quê hương,yêu bản làng, và hơn hết là yêu dân tộc mình, yêu lễ hội Ksaisatíp.

Ngày nay, cùng với sự hiện đại của xã hội, sự phát triển mạnh mẽ của mạng Internet, sự du nhập của nhiều nền văn hóa đã làm cho những văn hóa vốn có dễ bị “hòa tan”. Vì vậy, với tấm lòng yêu quê hương, bản làng, với sự may mắn được học tập dưới mái trường Đại học Tây Bắc mến yêu, với sự tự hào là một người con dân tộc Xinh Mun, tôi biết rằng thế hệ trẻ các dân tộc nói chung và thế hệ trẻ dân tộc Xinh Mun nói riêng nên có tinh thần hòa nhập nhưng không hòa tan với các nền văn hóa khác, và hơn hết là giữ gìn và phát huy được những nét văn hóa tốt đẹp mà các thế hệ trước đã để lại.

Vì Thị Biên

K58 ĐH GDCT A – Khoa Cơ sở, Trường ĐH Tây Bắc

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Categories Bình đẳng giới/Góc chia sẻ/Nữ sinh dân tộc thiểu số/Phóng viên nhỏ/Tin tức - Sự kiện

Tác giả: Dự án Nữ sinh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *