Bài dự thi: Nét đẹp văn hóa đặc sắc và tự hào của phụ nữ dân tộc Thái đen

 968 lượt xem

Nằm hun hút trong những núi rừng, Tây Bắc lặng lẽ cho mình một khoảng trời riêng, những nét đẹp riêng. Quê tôi đây, vùng Tây Bắc, nơi núi đèo tiếp giáp bầu trời bằng những cụm hoa mây trắng muốt. Vùng quê tôi đẹp lắm! Đẹp không chỉ ở cảnh sắc thiên nhiên mà còn đẹp vì ấm áp hồn người, hồn núi. Đất Việt ta có năm mươi tư dân tộc anh em, mỗi dân tộc đều có những nét đẹp riêng, bản sắc văn hóa truyền thống riêng. Nói đến văn hóa các dân tộc, là nói đến những gì tinh túy nhất, nhân văn nhất, chất phác nhất trong tâm hồn người miền núi. Và tôi cũng cảm thấy mình thật may mắn và tự hào khi sinh ra đã được gọi là cô gái Thái. Từ đó tôi cũng đã cảm nhận được tất cả những nét độc đáo của dân tộc mình qua “then”, hiểu được quan niệm về thế giới khác, về hồn phách của đời sống tâm linh dân tộc Thái, về tục ăn cơm mới mà rất nhiều dân tộc đều có, hay đơn giản chỉ là bộ xà tích, chiếc khăn piêu trên đầu người thiếu nữ… Nhưng hôm nay tôi sẽ kể cho các bạn và mọi người cùng nghe về một nghi thức không thể thiếu trong hôn nhân của phụ nữ Thái đen, của dân tộc mình. Một nghi thức đã làm tôi ấn tượng nhất và cũng tự hào nhất! Đó chính là nghi thức “Tẳng cẩu”.

Đã bao lần các bạn vi vu trên những cung đường đèo Tây Bắc, nghe gió thổi bay làn tóc mai trong sương sớm, đã bao lần làm ta ngây ngất trước những thửa ruộng bậc thang mùa lúa chín đẹp đến nao lòng và đâu đó trên những bước đường xa, chợt say lòng bởi cái nhìn lúng liếng tình của cô sơn nữ. Khi đi qua những bản làng của người dân tộc Thái, trong lòng các bạn có thấy ngẩn ngơ, xao xuyến trước những cô gái Thái trong trang phục truyền thống với áo cóm lấp lánh hai hàng cúc bạc, váy đen và chiếc khăn piêu đội trên đầu. Hay có thấy thật lạ lùng khi thấy những búi tóc thật cao trên đỉnh đầu của các cô gái Thái…

Vậy đối với phụ nữ người Thái đen, mái tóc Tằng cẩu là gì? Tức là búi tóc lên đỉnh đầu, là biểu hiện cho một giai đoạn vô cùng quan trọng trong cuộc đời, đó chính là đời sống hôn nhân. Giản dị, mộc mạc nhưng từ bao đời nay Tẳng cẩu vẫn luôn song hành và gắn bó với cuộc sống của phụ nữ người Thái đen, trở thành nét đặc trưng quan trọng – không thể bị nhầm lẫn với bất cứ dân tộc nào khác. Tằng cẩu gắn liền với cuộc sống của phụ nữ Thái đen bắt đầu từ ngày Khửn cẩu. Khửn cẩu là phong tục có từ ngàn xưa, một nghi lễ thiêng liêng được tiến hành tại nhà gái, trước khi người con gái làm lễ về nhà chồng.

Những cô gái Thái duyên dáng tẳng cẩu trên đầu .

Để tiến hành tục lệ này, sau khi nhà trai chọn được ngày lành tháng tốt, thống nhất được với gia đình nhà gái, nhà trai sẽ cử hai người phụ nữ đại diện đến làm lễ “tẳng cẩu” cho cô dâu. Họ phải là những người có cuộc sống êm ấm, hạnh phúc, khéo ăn nói, hiểu biết về phong tục tập quán, và họ cũng chính là người trực tiếp trải chuốt, búi tóc “ tẳng cẩu” cho cô dâu, dặn dò cô dâu những điều hay, lẽ phải trước khi về nhà chồng. Khi Khửn cẩu, cô dâu sẽ ra chào họ hàng hai bên và ngồi hướng về phía mặt trời mọc để chủ hôn thực hiện nghi lễ búi tóc lên đỉnh đầu. Nai cẩu – người được chọn để Tằng cẩu cho cô dâu mới, đứng ở phía sau lưng cô dâu, nhẹ nhàng chải tóc rồi dùng hai tay vuốt ngược tóc từ phía sau gáy lên kèm theo lọn tóc độn và búi cuốn chặt lại từ trái sang phải hoặc ngược lại. Khi búi tóc đã hoàn chỉnh, Nai cẩu khẽ nâng chiếc trâm bằng bạc xuyên qua búi tóc để giữ cho cẩu không bị xổ rối tung và chiếc trâm bạc xinh xắn nổi bật trên nền đen óng mượt của búi tóc cô dâu mới.  Đồ lễ không thể thiếu trong nghi thức “tẳng cẩu” được bên nhà trai chuẩn bị là 2 cặp búi tóc độn, mỗi búi to bằng nắm tay, dài khoảng từ 40-60cm, buộc chắc 1 đầu. Búi tóc độn này tiếng Thái gọi là “Trọng”. Đây chính là những sợi tóc rối được những người phụ nữ bên nhà trai gom lại theo năm tháng sau mỗi lần chị em chải tóc. Mái tóc càng dày, càng mượt thì sẽ càng dễ búi, dễ quấn và có một “tẳng cẩu” to, đẹp trong mắt mọi người. Lễ vật nhà trai mang đến đều thành đôi thể hiện sự chung thuỷ, hạnh phúc của đôi vợ chồng. “Khửn cẩu” là một trong những nghi lễ quan trọng và thiêng liêng nhất trong cuộc đời của phụ nữ người Thái đen. Sau nghi lễ này, mái tóc được Tằng cẩu không những sẽ trở thành trang sức làm tăng thêm vẻ đẹp của người phụ nữ Thái mà còn khẳng định sự thủy chung, kính trọng của họ đối với nhà chồng. Khi đã về làm dâu mái tóc ấy vĩnh viễn không bao giờ được buông thả bởi lời thề trọn một lòng thủy chung son sắt. Đây chính là nét đẹp văn hoá truyền thống độc đáo trong đời sống giao tiếp xã hội và là khuôn phép, lối sống đạo đức để bảo vệ hạnh phúc, hôn nhân gia đình của người Thái.

Nghi lễ khửn cẩu của phụ nữ dân tộc Thái khi lấy chồng.

Trong hôn nhân của người phụ nữ Thái đen Tây Bắc, tẳng cẩu hay khửn cẩu vẫn được lưu truyền trong các bản làng. Khi đã tẳng cẩu lên rồi thì người phụ nữ không được tự tiện bỏ cẩu xuống (buông tóc). Chỉ khi nào người phụ nữ trở thành bà goá thì lúc đó mới buộc phải bỏ cẩu, búi tóc ra phía sau một thời gian như thời con gái. Tùy từng người theo tục lệ khoảng 1- 6 tháng mới lại búi tóc tẳng cẩu lên như bình thường.

Tục Tằng cẩu của người Thái đen được ghi lại ở một trang sách được bắt nguồn từ truyền thuyết kể rằng: “Xưa kia, ở một bản người Thái nọ, có đôi vợ chồng sống rất hạnh phúc với 3 người con. Nhưng không hiểu tại sao, người vợ bỗng dưng phải lòng người đàn ông khác, bỏ chồng bỏ con. Người chồng giận lắm, chặt một cây nứa vót nhọn, quyết đi tìm người vợ hư hỏng để trả thù. Một buổi chiều, người chồng đi qua bến nước của bản, thấy vợ và người tình đang ôm nhau dưới gốc cây. Trong cơn giận, người chồng lao cây nứa nhọn về phía hai người. Cây nứa nhọn xuyên qua cả hai, khiến họ cùng chết. Hồn bay lên trời. Ông trời Phỏ Phạ liền bắt nhốt cả hai linh hồn tội lỗi vào ngục tối. Khi ông Then Na, vị thần thay mặt Phỏ Phạ mở cửa địa ngục cho các linh hồn tội lỗi xuống trần gian đầu thai làm kiếp khác, người vợ được Then Na cho được đầu thai nhưng phải chịu cắm một vật nhọn lên đầu mãi mãi, như một lời nhắc nhở, răn đe của Then Na đừng bao giờ phản bội chồng mình. Nếu không nghe, vật nhọn đó sẽ đâm vào đầu giống như cây nứa của người chồng ngày trước vậy. Vật nhọn đó chính là cái trâm. Do không thể cắm chiếc trâm đó vào đầu người còn sống, nên Tẳng cẩu chính là vật thay thế cái đầu.

Tuy câu chuyện ít tính thuyết phục, nhưng đã giải thích cho một tục lệ đã có từ xa xưa và rất bền vững, tồn tại mãi trong tâm thức của một cộng đồng người Thái từ trước tới nay. Đây chính là nét đẹp văn hoá truyền thống độc đáo trong đời sống giao tiếp xã hội và là khuôn phép, lối sống đạo đức để bảo vệ hạnh phúc.

Để có một Tẳng cẩu đẹp thì vật không thể thiếu chính là bó tóc rời được người phụ nữ Thái bỏ rất nhiều tâm huyết để làm nên. Hàng ngày khi chải tóc xong, họ thường giữ lại những tóc rụng này cất riêng trong túi nhỏ. Khi chiếc túi đã đầy thì đem ra gỡ. Đây là công đoạn mất nhiều công sức nhất, bởi tóc rối được lưu giữ có khi cả năm trời mới đem ra gỡ nên mất rất nhiều thời gian. Khi gỡ xong, tóc rối được bó chặt lại thành bó nhỏ, khi Tẳng cẩu người cẩu sẽ cho thêm bó tóc này để làm Tẳng cẩu to, dày và đẹp hơn. Thông thường, búi tóc này thường được mẹ chồng làm để tặng con dâu trong lễ Khửn cẩu. Từ đây, Tẳng cẩu cùng chiếc trâm cài đầu gắn bó với người phụ nữ Thái đen như hình với bóng và theo họ suốt cả cuộc đời. Khi về già, khi mái tóc đã bạc trắng họ cũng vẫn dùng trâm cài đầu khi Tẳng cẩu.

Tuy nhiên, hiện nay cũng có phụ nữ Thái đen khi lấy chồng không tẳng cẩu, do sự thoả thuận của vợ chồng, do đặc thù ngành nghề công tác… Nhưng, quan trọng hơn là phải được sự đồng ý của bố mẹ hai bên gia đình, vì tránh điều tiếng trái với thuần phong, mỹ tục. Vì vậy, dù không “ tẳng cẩu”, nhưng vẫn phải làm lễ “ khửn cẩu” theo phong tục tập quán của dân tộc mình trước khi về làm dâu. Có nghĩa là nhà trai vẫn phải có đủ búi tóc độn, một cái trâm cài tóc, đôi lắc tay, đôi bông tai bằng bạc trắng, cuộn vải thổ cẩm, dây lưng vải thổ cẩm nhuộm màu xanh lá cây, cái gương, cái lược… trực tiếp trao tặng cho cô dâu.

Với người phụ nữ Thái đen, bên cạnh Tẳng cẩu thì gội đầu và chăm sóc tóc được coi là cả một nghệ thuật mới mẻ với nhiều nét độc đáo. Từ xưa tới nay người Thái vốn luôn coi trọng đầu tóc, họ gọi đó là phồm, phồm không đơn giản chỉ có nghĩa là đầu tóc mà nó còn có ý ám chỉ đến một phần linh hồn của họ. Con gái Thái ngày xưa luôn để tóc dài cho đến khi đi lấy chồng, họ quan niệm phải để dài thì mới Tẳng cẩu đẹp được. Ngày nay các cô gái Thái vẫn thường cắt tóc, tạo kiểu bình thường nhưng một khi họ đi lấy chồng người Thái thì vẫn phải Tẳng cẩu lên theo phong tục của dân tộc. Để cho mái tóc dài luôn sạch, phụ nữ Thái đen có một bí quyết riêng. Bí quyết này được truyền từ đời này sang đời khác, hết sức đơn giản nhưng lại rất hữu hiệu chính là dùng nước gạo. Đó phải là nước vo gạo nếp để lắng ít nhất 2 ngày đêm, gạn phần nước trong đi đến khi thành một hỗn hợp đặc sệt thì mới được đưa ra để gội đầu. Do đó, Tẳng cẩu luôn đẹp và chắc, không bị lỏng lẻo trong suốt cả ngày làm việc. Khi đi làm hoặc ra ngoài người phụ nữ Thái hay quấn chiếc khăn Piêu lên đầu, chiếc khăn vừa giúp họ làm đẹp và bảo vệ đầu tóc. Người phụ nữ Thái khi đi ngủ cũng chỉ bỏ trâm cài đầu hoặc những lọn tóc giả để lộn vào trong búi tóc đi, chứ không hề thả tóc xuống nghĩa là họ vẫn Tẳng cẩu ngay khi đã đi ngủ. Sáng dậy họ dành 5 đến 10 phút để búi lại tóc. Những cô dâu trẻ thường phải chật vật mãi với cái kiểu tóc mới sau khi lấy chồng, vì họ vẫn chưa quen tự búi tóc cho mình vì thực ra Tẳng cẩu không phải là dễ, nên những cô dâu trẻ này bao giờ cũng phải nhờ đến sự giúp đỡ của mẹ chồng trong những ngày đầu tiên. Mẹ chồng vừa hướng dẫn cách làm vừa giúp con dâu Tẳng cẩu tạo sự gần gũi, gắn kết hơn giữa mẹ chồng với nàng dâu mới. Cùng với sự phát triển đi lên của cuộc sống, do ảnh hưởng của văn minh đô thị, nhiều phong tục đẹp của người Thái đang dần biến hóa, đơn giản hoá đi tuy không hẳn là biến mất nhưng nó đã thay đổi để phù hợp với cuộc sống mới. Người Thái ở những vùng kinh tế phát triển bây giờ hầu như không ra suối tắm gội nữa khi mà nước sạch đã về đến từng hộ gia đình, họ gội đầu ở nhà nhưng về căn bản thì cách gội đầu truyền thống vẫn được lưu giữ lại. Đối với những người phụ nữ Thái đã Tẳng cẩu thì hình như không có một loại dầu gội nào có thể thay thế được nước vo gạo.

Tục gội đầu ở sông suối đã không còn nhưng tục Tẳng cẩu thì vẫn được lưu giữ. Một tín hiệu đáng mừng là ngay trong thời kỳ hiện đại, vẫn còn những người hết lòng tìm về với bản sắc, dành phần lớn thời gian đời mình đến với dân chúng, tìm hiểu và ghi chép lại những nét độc đáo ấy, để chúng ta có thể biết được qua các trang sách báo; để những ngày hội văn hóa, những cuộc thi đàn tính tiếp tục nối dài. Thế hệ sau vẫn háo hức học câu hát đối, háo hức so dây đàn nhờ ông bà dạy, nghe truyện cổ nhớ đến nguồn cội của mình. Và như thế, nét đẹp văn hóa dân gian sẽ còn được bảo lưu, được trân trọng. Nhiều cô gái Thái ở thành phố Điện Biên Phủ hay Thành Phố Sơn La khi lấy chồng người Thái vẫn thích được Tẳng cẩu theo truyền thống mặc dù họ đang đi làm tại các cơ quan, công sở. Thành phố Điện Biên Phủ và Sơn La là một trong số ít những thành phố trong cả nước là nơi tập trung nhiều dân tộc Thái đen đang sinh sống. Ở giữa những lòng thành phố sầm uất và xinh đẹp này, chúng ta rất dễ dàng bắt gặp rất nhiều người phụ nữ Thái Tẳng cẩu, mặc váy, áo cóm đi làm, đi chơi… Chính những điều này càng làm toát lên vẻ đẹp của thành phố đậm đà bản sắc dân tộc.

Phụ nữ Thái sau khi lấy chồng dù đi đâu hay làm công việc gì cũng đều tẳng cẩu.

Bản thân tôi cảm thấy rất vui và tự hào về dân tộc của mình, vì Tằng cẩu là một nét đặc trưng của dân tộc mình cũng chính là điểm khác biệt nhất để phân biệt người phụ nữ đã có chồng với các dân tộc khác. Nó thể hiện được sự trưởng thành của người con gái tiến tới một cuộc sống mới với trách nhiệm cao hơn. Mong tất cả mọi người dân tộc Thái đen sẽ cùng nhau giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc của mình.

Tẳng cẩu là một nét đẹp độc đáo của người phụ nữ Thái. Chiếc trâm cài trên Tẳng cẩu như những ngôi sao nhỏ trên gương mặt tươi tắn, hồng hào của người phụ nữ Thái tạo cho họ sự duyên dáng và kiêu hãnh.

“Mái tóc dài, chải cho mượt

Búi ngược lên thành “Tằng Cẩu”

Từ nay về sau, người đã có chồng

Nước không đổi dòng

Lòng không đổi hướng con ơi”

Câu hát đó như một lời dặn dò và chúc mừng hạnh phúc cho đôi uyên ương trong lễ Tằng cẩu của người Thái. Tằng cẩu chính là sợi dây kết nối giữa tâm hồn của người phụ nữ Thái với trách nhiệm của họ đối với gia đình. Sự coi trọng của người Thái đối với Tằng cẩu cũng chính là thể hiện đức tôn kính đối với đấng sinh thành, tổ tiên – những người đã sinh thành ra họ. Đây là phong tục đẹp ngàn đời, cần được lưu truyền và gìn giữ qua nhiều thế hệ cả hôm nay và mai sau. Quê tôi vùng Tây Bắc, đến đầu dốc, thấy những hẻm núi uốn lượn như vệt đuôi rồng, xa xa vang tới lời hát giao duyên. Chợt thêm yêu dân tộc mình, dù đi đến bất cứ nơi đâu vẫn mãi nhớ, khắc ghi những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc và luôn mang theo mình những bộ trang phục truyền thống dân tộc để mặc, nhớ nơi màu xanh đại ngàn rải hút tầm mắt; nơi ngựa ô vẫn lục lạc khua vó gõ vào chiều; nơi có những chàng trai và cô gái Thái có nụ cười rất duyên và là nơi bất cứ lần nào về, tôi cũng khẽ khàng gọi: Quê hương ơi!

Tòng Thị Thủy

Sinh viên Trường Đại học Tây Bắc

 

 

 

 

 

 

 

Categories Bình đẳng giới/Góc chia sẻ/Nữ sinh dân tộc thiểu số/Tin tức - Sự kiện

Tác giả: Dự án Nữ sinh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *