Bài dự thi: Quỳnh Nhai – Biển hồ vùng rẻo cao Tây Bắc

 629 lượt xem

Đến với Sơn La có những vùng đất lặng lẽ ẩn mình theo dòng chảy của thời gian, có những vùng đất còn giữ nguyên vẻ đẹp hoang sơ theo bao năm tháng, có những vùng đất núi cao trùng điệp, sóng nước mênh mông giữ trọn món quà của tạo hoá ban tặng, có những vùng đất yên bình biết bao, luôn khiến cho những người đặt chân đến nơi đây luôn tìm thấy an nhiên tâm hồn. Và huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La chính là vùng đất như thế.

Quỳnh Nhai là huyện miền núi nằm ở phía Bắc tỉnh Sơn La, cách trung tâm thành phố Sơn La khoảng 60km. Quỳnh Nhai được biết đến với những dãy núi non hùng vĩ, cùng vùng lòng hồ thuỷ điện rộng hơn 10 nghìn ha, chiếm lấy một vùng đất riêng trong thung lũng rộng lớn, được bao bọc bởi những dãy núi cao sừng sững, những cụm rừng xanh ngút ngàn đẹp mộng mơ.

“Anh hãy về thăm quê em, đất Quỳnh Nhai bên sông Đà

Rộn ràng trong nắng chiều, bóng thuyền ai về bến mới”.

Bản làng trên núi cao và  những con đường uốn lượn 

Nét đẹp Quỳnh Nhai thể hiện qua những con đường, những cung đường uốn lượn quanh co, những cây cầu bắc qua sông mênh mang, những con suối trong lành mát rượi, những nếp nhà sàn hay cả những nét sinh hoạt giản dị của người dân vùng cao nơi đây, đã tạo nên một vùng đất duyên dáng như thiếu nữ miền sơn cước Tây Bắc.

Nếu bạn tò mò thì hãy đến với Quỳnh Nhai, để được chiêm ngưỡng biển hồ mênh mang, trập trùng núi non Tây Bắc. Lưng tựa vào núi đồi, mặt hướng ra bao quát cả vùng lòng hồ này chính là đền Linh Sơn – Thuỷ Từ (Nàng Han), sự ra đời của ngôi đền này gắn liền với truyền thuyết của người Thái Trắng. Cứ vào 30 Tết hằng năm tại đền Nàng Han lại diễn ra lễ hội gội đầu dành riêng cho những cô gái Thái như một cách để tưởng nhớ đến công lao to lớn của vị nữ tướng dũng cảm. Không chỉ có những câu chuyện lịch sử đặc biệt mà nơi đây còn giữ được nét hoang sơ của riêng mình, những nếp nhà sàn, bản làng con con bên triền núi, đậm nét văn hoá riêng của đồng bào dân tộc địa phương. Tất cả đã tạo nên một Quỳnh Nhai xinh đẹp như thế.

 Đến với Quỳnh Nhai, các bạn còn được ngắm nhìn cầu Pá Uôn nối hai sườn núi cứ ẩn hiện trong sương mù Tây Bắc, chắc hẳn ai cũng biết đây là cây cầu có trụ lớn nhất Việt Nam. Đứng trên cầu là một địa điểm để bao quát toàn cảnh về mảnh đất, con người lẫn nền văn hoá của một huyện vùng sâu vùng xa, một chỗ đứng thật tuyệt để ngắm nhìn non sông.

Quỳnh Nhai từ những góc nhìn

Quỳnh Nhai còn đẹp hơn nữa trong những hoàng hôn chiều tà giữa lòng hồ sông Đà, những vạt nắng lấp lánh trên những cánh đồng lúa. Những vẻ đẹp ấy khiến du khách thập phương cứ mải mê ngắm nhìn, rồi say trong hơi men tình yêu thiên nhiên dào dạt tha thiết, và say trong cảm xúc mới của giây phút ấy.

Mảnh đất Quỳnh Nhai không chỉ yên ả, thanh bình và êm đềm qua ngày tháng mà còn có những khoảnh khắc nhộn nhịp, rộn ràng trong mùa lễ hội. Đặc biệt trong dịp lễ hội đua thuyền chào xuân, nếu có dịp đến đây, bạn sẽ được hoà vào không khí tưng bừng, cùng hò reo cổ vũ náo nhiệt cả một góc núi rừng Tây Bắc, hoà mình chứng kiến cuộc đua thuyền kỳ thú của đồng bào địa phương. Du khách yêu những trải nghiệm ẩm thực, chắc chắn không thể cưỡng lại những món ẩm thực độc đáo của đồng bào dân tộc Thái được chế biến từ cá sông Đà như pa pỉnh tộp, thịt trâu gác bếp, gà đồi, lợn mán,…

Ẩm thực và nhịp sống của người dân Quỳnh Nhai

Trong những dịp lễ hội như thế, với người Thái nơi đây múa xoè còn là một phần của cuộc sống, như cơm ăn, nước uống hằng ngày.

“Không xoè không vui

Không xoè cây ngô không ra bắp

Không xoè cây lúa không trổ bông

Không xoè trai gái không thành đôi”

Vì thế mà chẳng cuộc vui, ngày hội nào của người Thái đất này có thể vắng bóng những điệu xoè, dù là ngày vui nhỏ của gia đình hay trong những mùa lễ hội của bản làng, bởi:

“Anh không xoè thì hoa héo đi

Em không xoè trời xuân qua đi…”

Quỳnh Nhai hôm nay là thế, nhưng tiến sâu vào tận bản còn thấy được nhiều thứ đậm đà hơn, từ cái ăn cái mặc cho đến nếp sống sinh hoạt thường ngày. Cuộc sống xô bồ ở phố thị khiến con người ta bị ngột ngạt, lên tới đây mới biết sự khác biệt lớn đến chừng nào, không đầy đủ không sang trọng nhưng vẫn có thể níu chân người hành hương. Một nét ẩn sâu giữa rừng núi Tây Bắc, chẳng thể nói trước được mai sau sẽ ra sao, vẻ hoang sơ có còn giữ được hay không, hay cuộc sống của người dân vùng cao nơi đây có phần sung túc hay chăng, bỏ xa những ngày tháng cơ cực? Nếu muốn có được câu trả lời chính xác, thì mời các bạn hãy xách balo và lên đường đến Quỳnh Nhai nơi “Biển hồ của vùng rẻo cao Tây Bắc” này nhé!

Lù Thị Bích Ngọc

K60- ĐHGD Tiểu học B

             Trường Đại học Tây Bắc

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Categories Bình đẳng giới/Góc chia sẻ/Nữ sinh dân tộc thiểu số/Phóng viên nhỏ/Tin tức - Sự kiện

Tác giả: Dự án Nữ sinh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *