Bài dự thi: Nét đẹp về trang phục, ẩm thực của người Dao Tiền

 546 lượt xem

Nhắc đến “Tây Bắc “chúng ta có thể hình dung ra ngay nơi ấy là những dãy núi cao sừng sững, những cánh rừng xanh thẳm, xen vào đó là những cao nguyên xanh cỏ, cũng là địa bàn sinh sống của hầu hết của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Đến với “Tây Bắc” chắc hẳn các bạn đã khá quen thuộc với những chiếc khăn Piêu, áo Cóm của đồng bào dân tộc Thái hay những bộ áo, váy đa màu sắc được chính đôi tay của các chị em phụ nữ đồng bào dân tộc H’Mông thêu thùa tỉ mỉ từ những sợi chỉ có màu sắc sặc sỡ tạo nên. Nhưng ngày hôm nay, hãy cùng tôi khám phá một vài điều mới mẻ về văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào dân tộc Dao Tiền vùng Tây Bắc nhé!

Tôi là Trang, là người con gái dân tộc Dao Tiền, tôi được sinh ra và lớn lên tại xã Phiêng Luông, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Được sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Mộc Châu, mảnh đất  được coi là tâm điểm của vùng núi Tây Bắc, nơi có rất nhiều điều kiện thuận lợi mà mẹ thiên nhiên đã ban tặng. Người ta nói rằng: “Quê hương mỗi người chỉ một, như là chỉ một mẹ thôi” chắc hẳn với mỗi người ai cũng có tình cảm vô cùng lớn với quê hương mình vì đó chính là nơi “chôn rau cắt rốn” của chúng ta. Với tôi cũng vậy , tôi luôn luôn tự hào và thêm yêu quý quê hương mình hơn.

Nhắc đến Mộc Châu chắc hẳn các bạn sẽ nghĩ ngay đến các địa danh du lịch mà nơi này có. Từ lâu Mộc Châu đã trở thành địa điểm thu hút rất nhiều khách du lịch. Không chỉ thu hút khách du lịch bởi nhiều điểm du lịch đẹp mà còn là nơi có khí hậu mát mẻ, đa dạng ẩm thực. Dòng sữa thanh mát từ những cô bò sữa ở nơi đây đã sớm làm nên thương hiệu và trở thanh đặc sản Tây Bắc: Bánh sữa, sữa tươi tiệt trùng, sữa chua, phô mai Mộc Châu…. Đến với Mộc Châu vào tháng tư, tháng năm du khách còn được thả mình vào những thung lũng “mận hậu” chín đỏ. Đâu đó chúng ta lại bắt gặp những đồi chè bát ngát màu xanh. Bên cạnh những vẻ đẹp thiên nhiên đầy mơ mộng thì không thể vắng bóng con người nơi đây, những con người chân chất và hiếu khách vô cùng. Nếu có dịp, hãy đến với mảnh đất nơi đây nhé ! “Mộc Châu xanh”!

Thứ hai, điều mà tôi tự hào đó chính là bản sắc văn hóa của chính dân tộc mình. Nơi tôi sống là một xã nhỏ của huyện Mộc Châu, cách trung tâm huyện 15km, là địa bàn cư trú của đồng bào dân tộc  Thái, Mường, Kinh nhưng đông hơn cả chính là dân tộc Dao Tiền của tôi. Được sinh ra và lớn lên trong cái nôi bản sắc văn hóa của chính dân tộc mình, khiến tôi lại càng trân quý, tự hào và yêu mến dân tộc mình hơn, điều này đã luôn thôi thúc tôi phải cố gắng học tập, rèn luyện và tuyên truyền về dân tộc mình để tất cả mọi người có thể biết đến. Trước tiên hãy khám phá bộ trang phục của dân tộc tôi nhé!

Trang phục từ lâu đã trở thành một phần không thể thiếu trong lối sống sinh hoạt hàng ngày, từ xa xưa con người đã biết ý thức được rằng cần có bộ trang phục để bảo vệ chân, tay khỏi bị côn trùng cắn hoặc là để giữ ấm cơ thể, đó cũng là lúc những bộ trang phục truyền thống của các tộc người bắt đầu xuất hiện. Nếu như dân tộc Thái rực rỡ với những chiếc áo Cóm đa sắc màu được ví như như những bông hoa ban của núi rừng Tây Bắc, hay những chiếc áo, váy hoa của dân tộc H’Mông sặc sỡ như nhưng con bướm mùa xuân thì bộ trang phục Dao Tiền của dân tộc tôi lại chỉ là màu đen giản dị, màu đen của vải được nhuộm từ cây chàm là chủ yếu.

Một bộ trang phục hoàn chỉnh của người Dao Tiền gồm có: Khăn đội đầu, áo, dây lưng, váy, xà cạp. “Khăn đội đầu” được làm từ một mảnh vải dài khoảng 1,5m được nhuộm chàm, khăn được trang trí tỉ mỉ ở hai đầu, với những đường nét thêu tỉ mỉ tạo thành những đường diềm san sát nhau, màu chỉ chủ yếu được sử dụng là đỏ, vàng, trắng, hồng. “Khăn đội đầu” được coi là điểm nhấn cho khuôn mặt của người phụ nữ Dao Tiền. “Áo” nhuộm chàm, không có cổ áo, được trang trí tỉ mỉ ở tay áo, lưng áo và tà áo, phía sau gáy có gắn đồng xu (để phân biệt với những nhóm người Dao khác). Những hình ảnh thể hiện chủ yếu ở áo là hình ảnh cây cối, con chim, con chó, đó là biểu tượng cho sự may mắn ấm no và sung túc. Đi kèm với chiếc áo là chiếc dây lưng (màu đỏ hoặc trắng) được đôi tay người phũ nữ Dao Tiền kì công chắt ghép từ các sợi chỉ để tạo thành. Để tạo nên chiếc “váy” có thể nói đây là giai đoạn cần sự tập trung và khéo tay nhất của người phụ nữ. Dùng sap ong đun chảy và dùng một cành tre nhỏ được uốn thành tam giác để tạo hình. Sau khi tạo hình xong, chiếc váy được đem đi nhuộm chàm, thấy lên màu thì nhúng vào nồi nước sôi, tự sáp ong chảy ra, hiện lên hoa văn nhấp nhô, màu trắng tượng trưng cho sông, màu xanh tượng trưng cho cây cỏ và hòa bình. “Chiếc váy” là đặc điểm để nhận biết người Dao Tiền ( các nhóm người Dao khác thay vì mặc váy thì trang phục của họ là áo và quần) .

Là người con gái dân tộc Dao Tiền tôi đã sớm được tiếp cận với văn hóa của dân tộc mình, chính vì vậy mà tôi đã nhìn nhận rất rõ được mình cần phải gìn giữ, duy trì và tuyên truyền về những nét đẹp truyền thống của dân tộc mình đến với thầy cô, bạn bè. Chính vì vậy mà bây giờ tôi đang ngồi đây kể cho các bạn đọc nghe về dân tộc tôi với tâm thế vô cùng tự hào.

Tự hào khoác lên mình bộ trang phục Dao Tiền – liên hoan văn nghệ bản 83 , xã Phiêng Luông

Tây Bắc là nơi có rất nhiều dân tộc thiểu số khác nhau sinh sống, mỗi dân tộc thiểu số đều có những món ăn truyền thống riêng, mang đậm sắc thái dân tộc mình.  Người Tày nổi tiếng với món “Thắng cố”, người Thái nổi tiếng với “cơm lam”, cá nướng “Pa pỉnh tộp”, “thịt trâu gác bếp”, “rượu cần”… Thì người Dao Tiền chúng tôi lại có món: “Thịt chua” (thịt muối chua), “xôi màu”, “rượu hoãng”.

Nguyên liệu làm “Thịt chua” rất đơn giản chỉ gồm thịt, muối tinh và cơm nguội. Nhưng để làm được món thịt chua thì mất khá nhiều thời gian, thời gian ủ phải từ 8 tháng đến một năm thì mới có thể thưởng thức được. Mặc dù lâu như vậy nhưng đến lúc thưởng thức thì chắc hẳn sẽ không làm ai thất vọng nó đem lại cho ta vị chua, thơm và rất đậm vị, thịt chua thường được ăn kèm với lá lốt. Chính vì “thịt chua” cần nhiều thời gian mới được thưởng thức nên món này thường chỉ có trong ngày lễ tết, đám cưới, lễ đặt tên hoặc tiếp khách quý. Người Dao Tiền giản dị, mộc mạc nhưng rất hiếu khách. Nhắc đến “Xôi màu” chắc hẳn chúng ta sẽ không còn xa lạ nữa vì ngày  nay chúng ta bắt gặp ở rất nhiều nơi từ những hàng ăn sáng hay những nhà hàng. Điều này lại khiến tôi vô cùng tự hào vì đi đâu cũng thấy màu sắc của dân tộc mình. Gạo nếp nương thơm dẻo ngâm vào lá thuốc để tạo ra màu đỏ, tím, màu vàng được ngâm với củ nghệ rồi đồ lên là đã có món xôi thơm, dẻo. “ Xôi màu “ cũng có mặt trong nhũng dịp lễ tết và đặc biệt là dịp: “Tết thanh minh” tháng ba âm lịch hàng năm. Đến với đồng bào Thái thì ta biết đến “rượu cần” cón với người Dao Tiền thì có “rượu hoãng”. Rượu này cũng được sản xuất từ gạo nếp nương, được ủ lên men tự nhiên, đủ một tuần thì vắt lấy nước và đun lên là chúng ta sẽ được thưởng thức rồi. Rượu này cũng tùy tay nghè của mỗi người để quyết định được rượu ngọt hay đắng. “Rượu hoãng” của người Dao Tiền hoàn toàn không độc hại, mà còn rất “lợi sữa” cho các phụ nữ đang cho con bú bằng sữa mẹ đấy ạ! Nếu có dịp hãy đến với chúng tôi hòa mình vào văn hóa của chúng tôi nhé!

Thịt chua, xôi màu, rượu hoãng – ẩm thực của người Dao Tiền

Năm 2018, tôi may mắn trở tân sinh viên của mái Trường Đại học Tây Bắc, tôi theo học ngành Giáo dục tiểu học – Khoa Tiểu học –Mầm non, tôi luôn tự nhủ với lòng rằng mình phải thật cô gắng học tập và rèn luyện thật tốt để có thật nhiều kiến thức và kĩ năng để làm hành trang cho tương lai nghề giáo của mình sau này. Cũng trong năm sinh viên năm nhất, tôi biết đến Câu lạc bộ Sinh viên tình nguyện Trường Đại học Tây Bắc, không chần chừ tôi nhanh chóng viết đơn và tham gia phỏng vấn, may mắn tôi đã trở thành thành viên của ngôi nhà chung ấy, nơi mà tôi có thể học hỏi, trau dồi rất nhiều kĩ năng, kinh nghiệm cho chính bản thân mình, tự tin hơn trước đây rất nhiều. Giờ đây, là sinh viên năm hai lại thấy thời gian trôi qua nhanh quá, chẳng mấy nữa là sẽ ra trường. Nhưng dù thế nào đi chăng nữa thì tôi vẫn luôn cảm thấy hạnh phúc vì tuổi trẻ của tôi đã được đặt chân tới nơi này, được học tập và thực hiện ước mơ của mình.

      “Trường Đại học Tây Bắc – Nơi chắp cánh ước mơ”

Tôi và các bạn trong ngôi nhà chung Câu lạc bộ Sinh viên tình nguyện, Trường Đại học Tây Bắc

                                                                                             Tác giả: Thu Trang

 

 

 

 

 

 

Categories Bình đẳng giới/Góc chia sẻ/Nữ sinh dân tộc thiểu số/Phóng viên nhỏ/Tin tức - Sự kiện

Tác giả: Dự án Nữ sinh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *