Bài dự thi: Đại đoàn kết dân tộc

 17,931 lượt xem

Trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, cộng đồng 54 dân tộc đã luôn gắn bó, đoàn kết, đấu tranh chống kẻ thù xâm lược, bảo vệ bờ cõi, giành độc lập tự do và xây dựng đất nước. Mỗi dân tộc đều có bản sắc văn hóa riêng, tạo nên sự thống nhất và đa dạng của văn hóa Việt Nam. Mình là một trong số 54 dân tộc của Việt Nam đó, một dân tộc Thái đen và mình luôn cảm thấy may mắn và tự hào vì là một phần của đất nước tuyệt vời này.

Ngày bé mình từng ước rằng – tại sao mình không sinh ra ở một nơi có nền kinh tế phát triển, là một dân tộc khác, nhiều thứ để chơi (như khu vui chơi chơi có cầu trượt, công viên có đu quay và thú bông to), một nơi có thật nhiều bánh kẹo và sao không phải là một dòng sông chocolate như trong bộ phim Charlie and chocolate factory (lúc 6 tuổi có điện mình đã được xem bộ phim này). Có thể là nhiều bạn được sinh ra ở một nơi phát triển và ở Đô thị thì sẽ cảm thấy ước mơ ngày bé của mình là điều rất nhỏ nhặt và một chút vô lý. Nhưng rồi ai trong hoàn cảnh của mình rồi cũng sẽ hiểu thôi. Mình sinh ra và lớn lên ở một vùng nông thôn nhỏ của Mường Muổi (nay là Thuận Châu thuộc thành phố Sơn La) – một vùng quê bình yên của mình mà ngày bé mình còn ước mình không sinh ra ở nơi này. Gia đình mình có bốn người, bố mẹ mình là người buôn bán nên thường xuyên đi xa, mình có anh trai và hai anh em mình thường hay đi lên đồi để đốn củi, bắt dế, tìm rau và củ quả dại về ăn và không bao giờ bị ngộ độc đâu nhé… ngày qua ngày cứ thế mà lớn lên cùng với thiên nhiên và núi rừng.

Ngày ấy, đường bản chỉ toàn là đất, đi đâu cũng là đi bộ, bao nhiêu cây số cũng đi, mang cơm đi đường. Bố mẹ mình đi buôn bán cũng vậy – vác trên vai chiếc túi bạt làm bằng cái bao – đựng quần áo và các đồ thiết yếu để bán. Có thể nói vậy các bạn sẽ hơi “không tin được một chút” nhưng bố mẹ mình đã đi hàng trăm cây số để bán hàng với ước mong các con có cuộc sống tốt hơn bố mẹ, tuần nào cũng vậy, cứ đi rồi về. Tuổi thơ của mình đã không được bố mẹ bên cạnh thường xuyên dạy bảo nhưng mình đã lớn lên một cách khỏe mạnh và có thể đi học như bây giờ là biết bao mồ hôi, nước mắt của bố mẹ và những lần chịu thiệt thòi giấu các con.

Những con đường làng cây cỏ xum xuê, có nhiều cây cao như những ngôi nhà cao tầng bây giờ, vì vậy mưa cũng chẳng sợ lũ. Lúc đó ai đi rừng cũng sợ hổ, cọp, rắn,… vì dọc đường đi toàn là rừng. Những con đường nơi đây đúng như Lỗ Tấn nói: “ngày xưa làm gì có đường, người ta đi mãi thì thành đường thôi”. Chẳng có con đường nào cả, chỉ cần biết là nơi nào cần đến là cứ băng qua rừng qua suối. Dọc đường có rất nhiều quả dại ăn rất ngon mà cứ vô tư ăn chẳng sợ như bây giờ, mà vẫn khỏe mạnh. Mình hay đi qua đồi khoảng 3 cây số để đến nhà ông bà ngoại – vì con đường này mình thường xuyên đi nên hay đi một mình lắm, đúng là lúc bé chẳng hiểu gì giờ lớn rồi nghĩ lại không hiểu vì sao những ngày đó mình dũng cảm đến thế. Cả gia đình hay đi bộ cùng nhau tâm sự về cuộc sống hằng ngày, những câu chuyện của tương lai mà chẳng bao giờ thấy chán. Mưa cùng nhau trượt chân ngã, kéo nhau đi, lấy lá cây che đầu, thật vui biết bao nhiêu. Rồi lớn lên từng ngày, cây cỏ cũng thay đổi – cây to dần biến mất, rừng thu hẹp lại. Giờ chỉ toàn là nương rãy, đất trống đồi trọc. Đi lên đồi cũng chẳng còn sợ hổ cắn như ngày xưa nữa, giờ lại là một nỗi sợ khác – sợ lũ lụt, sợ hạn hán, sợ thiếu nước,… bao nhiêu nỗi sợ còn nhiều hơn cả ngày xưa. Đường xá giờ cũng thay đổi, những con đường bê tông hóa của nông thôn mới, đường lát nhựa có thể đi dễ dàng thuận tiện hơn nhưng cái gì cũng có mặt trái của nó – làm mất đi vẻ đẹp tự nhiên vốn có, đường càng rộng cây cối càng hẹp đi, những kỉ niệm cũng không còn nữa. Con đường xưa giờ cũng đã mất, giờ chỉ toàn đi bằng đường lát nhựa mà đi xe phóng vù vù chẳng thể tận hưởng thiên nhiên tươi đẹp này nữa.

Và chắc hẳn, nhiều bạn sẽ có một tuổi thơ giống như mình. Cứ mỗi khi trời nóng oi bức, buổi tối trước khi đi ngủ ông bà nội rải thảm tre ngoài sàn cùng các con cháu ngắm trăng, sao và kể câu chuyện cổ tích như: Thạch Sanh, Nàng công chúa trong trống vàng, Hổ và Trâu, Sọ Dừa, Chú Cuội,.. nhiều lắm (và bằng tiếng địa phương của mình). Nhưng mỗi lần kể là mỗi lần ông bà thêm bớt đủ thứ nhưng các cháu vẫn muốn nghe. Trên tay thì lúc nào cũng cầm chiếc quạt tre quạt cho từng đứa cháu một. Ông bà hay dậy sớm đi làm nương rãy hay ra ngoài đồng nên bị đau lưng, chỉ cần nghe thấy ông nói hôm nay ông đau lưng quá là từng đứa từng đứa một bắt ông nằm xuống và đạp, trèo lên lưng ông, đứa đấm bóp, đứa xoa, tiếng cười luôn tràn đầy, chiều chiều thì ra ngồi dưới gốc cây nhổ tóc sâu cho ông bà. Hồi đó cho đến khi mình 4 tuổi điện vẫn chưa đến nhà, nhà mình vẫn sử dụng đèn dầu. Và thường có một nhà có máy nổ để khi đến một bộ phim nào cả bản góp phí cùng nhau đi xem, mình nhớ là có bộ phim: “Tây Du Kí”, “Truyền thuyết Ju-Mong” , “Lương Sơn Bá-Trúc Anh Đài”, “Đại Hiệp Mù” và nhiều bộ phim cuối tuần nữa mà cả bản cùng nhau túm tụm lại đi xem thật vui. Hồi đó nhà ai mà có tivi và máy nổ được coi là điều kiện lắm. Cho đến sau này, điện đã được đến từng nhà, kinh tế cũng dần phát triển dần có thêm điện thoại bàn, điện thoại dời và điện thoại di động ngày càng phát triển cho tới điện thoại smartphone bây giờ thì khung cảnh ông bà ngồi kể chuyện cổ tích cho các cháu nghe, và cùng nhau ngồi trước tivi xem một bộ phim cũng ít dần đi. Giờ chẳng có tâm sự, chẳng có hỏi han, mỗi người một cái điện thoại và cùng cười với nó. Làm gì đi đâu ai nấy đều “cúi đầu” với nhau vì cầm chiếc điện thoại. Nhìn mọi người bây giờ làm mình nhớ tuổi thơ thật nhiều, mình nhớ chiếc ti vi bé tí có màu là vui lắm. Giờ cái gì cũng nhanh hỏng, đời cao còn có đời cao hơn, mọi thứ hiện đại làm mất đi nhiều thứ, ai cũng chỉ ước được trở về tuổi thơ và cả mình cũng vậy.

Ngày xưa, thời của các bà và các mẹ của mình, tất cả các cô gái ở đây đều mặc váy áo cóm, tóc đưa ra đằng sau búi lên, tóc cô nào cô nấy đều dài tha thướt có khi dài đến tận chân và có khi còn hơn, mặt mộc chân chất vậy mà vẫn đẹp và mình thích vẻ đẹp này, có thể là vẻ đẹp của bộ trang phục dân tộc Thái tạo nên hoặc có thể là vẻ đẹp chân chất vốn có không pha nhưng đối với mình những cô gái Thái ấy là đẹp nhất. Lúc có một mảnh vải xa tanh để may váy áo là phải gom góp lắm vì ngày xưa kinh tế khó khăn, và có những thứ muốn mua cũng còn không có để bán. Mỗi lần đến ngày hội để đi chợ phiên là coi như đêm đó háo hức không ngủ được, nào là chuẩn bị bộ váy đẹp nhất, khăn Piêu hình thêu nào là hợp nhất. Các chàng trai thì mặc chiếc áo vải dệt nhuộm Củ Nâu, màu tràm hoặc đen và đội chiếc mũ nồi . Đi chợ mua được một cái vòng tay, một cái dây cột tóc, đôi bông tai hay chỉ là mấy thứ nhỏ nhỏ đơn giản mà cũng mừng đi về, từng hội từng hội díu dít cùng nhau rôm rả nói chuyện. Chợ phiên lúc ấy đông vui và ý nghĩa hơn bây giờ nhiều lắm – một khung cảnh chợ xưa nhộn nhịp. Và có một điều mình thấy thật ý nghĩa là chợ phiên vẫn giữ mãi cho đến tận bây giờ dù không thể sầm uất như ngày xưa nữa.

Ngày thường các cô gái thiếu nữ đều thêu khăn Piêu, dệt vải, may vay áo (bằng kim chỉ), đi dã gạo, đi múc nước, đi mò cua ốc, cá và rủ nhau ra suối tắm. Những ngày nhiều việc lắm là đi đốn củi khô trên rừng, đi nhặt rau dại, đi nhặt nấm, hái măng. Còn các chàng trai thì đi chăn trâu, chăn bò, chặt gỗ ngâm ao, đi bắt cá, săn thú nhỏ ở trên rừng, những ngày rảnh rang thì cùng nhau ra đồng thổi sáo hoặc mang đi thổi lúc chăn trâu,… Những ngày lễ tết mọi người cùng kéo nhau đi chơi ném còn, trò “tó má lẹ”, chơi cù, thổi sáo, khèn bè, đàn nhị, hát “Hạn khuống”, uống rượu cần, múa xòe, kéo co, lửa trại, đánh trống, cồng chiêng, mổ trâu, bò, lợn ăn mừng. Ngày xưa đúng với câu vui như tết, nhưng giờ tết mới bình yên làm sao, không còn vui như trước nữa, không biết có phải do mình đã lớn hay điều gì đã làm nó mất đi cái chất tết xưa.

Mình đặc biệt ấn tượng với tục cưới xin của dân tộc mình, dù bây giờ nhiều thứ xuôi hóa nhưng tục cưới xin vẫn giữ lại như ngày xưa. Chỉ là các cô gái có “Tẳng Cẩu” hay không thôi còn tất cả các phomg tục khác đều là giữ nguyên : nào là đến thăm hỏi, đến xin qua lại, đến xin ở rể và xin dạm hỏi. Ngày xưa ở rể bao nhiêu năm vẫn chịu ở bây giờ chỉ có vài ba ngày. Những nhà có con gái gả đi sẽ làm chăn, đệm, khăn piêu, váy vóc, đồ dùng hằng ngày để con gái đưa qua nhà chồng, dù có vẻ rất nhiều việc nhưng đủ để tạo nên một sự tinh tế khác biệt và một nền văn hóa mình không bao giờ muốn để mất.

Nhưng cho tới thời điểm bây giờ nơi đây còn có một tồn tại, đó là rất nhiều người phụ nữ không biết chữ, cả mẹ mình cũng vậy, ngay cả tiếng phổ thông có nhiều người còn không hiểu. Mình thấy thật thiệt thòi vì giờ cái gì cũng là phải đọc, phải nghe tiếng phổ thông. Và thông tin tuyên truyền về lợi ích của người phụ nữ cũng là tiếng phổ thông. Công ghệ thông tin phát triển tất cả đều phải hiểu biết mới có thể sử dụng. Vậy mà không thể đọc và cũng không thể hiểu thật sự là một mất mát. Cũng có nhiều lớp chống mù chữ mở ra nhưng vì bận việc nhà việc cửa, chăm lo chồng con mà những người phụ nữ ấy chấp nhận hi sinh không đi học. Sự hi sinh đó với người phụ nữ dân tộc là hạnh phúc chứ không phải như suy nghĩ của mình là họ khổ, họ tần tảo sớm khuya, lo cho gia đình một lòng vì chồng con thật sự trân quý. Nhưng mình vẫn muốn sẽ không còn nạn mù chữ tiếp tục xảy ra nữa. Mình thấy giờ có nhiều quỹ hỗ trợ những người dân tộc thiểu số được mở ra và đặc biệt trú trọng đến người phụ nữ nhiều hơn. Mình thấy vui vì giờ đây tất cả các bạn đều được đi học, được hiểu biết và có nhiều em, nhiều anh chị rất giỏi và có nhều người cũng thành công là người dân tộc mình rất ngưỡng mộ và tự hào.

Mình cảm thấy thật sự may mắn khi được sinh ra được là con của mẹ, một người phụ nữ dân tộc tần tảo sớm khuya lo cho gia đình con cái, miếng ngon mẹ đều dành hết cho con. Làm bao nhiêu công việc nặng nhọc để mưu sinh kiếm tiền lo cho con cái. Thức khuya dậy sớm là thói quen của mẹ. Luôn tranh thủ dậy sớm đi buôn bán, ở nhà thì dệt vải, ra đồng, lên dãy là một công việc hàng ngày của mẹ. Mình chỉ ước rằng mình có thể cố gắng học thật tốt để sau này có thể lo cho mẹ những thứ tốt hơn và không để cho mẹ vất vả nữa.

Và cuối cùng mình cảm thấy tự hào vì mình đã được sống trong một nền văn hóa độc đáo, đầy tinh hoa, giàu tình yêu thương con người. Mình là một sinh viên ngành du lịch, chính vì vậy với ngành học của mình, mình sẽ cố gắng đưa những nét đẹp văn hóa, thiên nhiên, những điều đáng trân quý của người phụ nữ dân tộc và cả nết đẹp của con người nơi đây đến với mọi người.

Đây là trang đầu của tập “Quam Tô Mương” tạm dịch Lịch sử được kể lại của dân tộc thái, nguồn ảnh : Fahai Cam

Hình ảnh “Lạt Mương Lạ” tạm dịch Chợ Sơn La

Nguồn ảnh : Dân tộc Thái Việt Nam

Các cô gái Thái mặc váy áo cóm bằng vải Xa tanh ngày xưa

Nguồn : Dân tộc Thái Việt Nam

Tác giả: Lò Thị Thúy Vy

K59 ĐH QTDV Du lịch và Lữ hành, Trường ĐH Tây Bắc

 

 

 

 

 

 

 

Categories Bình đẳng giới/Góc chia sẻ/Nữ sinh dân tộc thiểu số/Tin tức - Sự kiện

Tác giả: Dự án Nữ sinh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *