BÀI DỰ THI: Tự hào chiếc khăn Piêu dân tộc Thái

 4,783 lượt xem

Tôi sinh ra và lớn lên tại một tỉnh miền núi phía Bắc, mảnh đất Điện Biên anh hùng với trận chiến Điện Biên Phủ ” lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu “. Và tôi, người con gái dân tộc Thái, tôi luôn tự hào về quê hương tôi.

Khi nói về dân tộc Thái thì chúng ta sẽ nghĩ ngay đến các món ăn đặc sản như cơm lam, pa pỉnh tộp ( hay còn gọi là cá nướng ), . . . và trang phục váy áo cóm của người dân tộc Thái. Tuy nhiên, có một thứ không thể không nhắc đến, đó chính là chiếc khăn Piêu.

Có lẽ sẽ có những bạn tự hỏi rằng, khăn Piêu? Nó như thế nào? Được làm như thế nào ? . . . Thì bài viết này tôi sẽ giới thiệu cho các bạn về chiếc khăn Piêu của dân tộc Thái chúng tôi, để giải đáp những tức mắc cũng như giúp mọi người biết đến nhiều hơn chiếc khăn Piêu.

Khăn Piêu là sản phẩm thể hiện sự khéo léo, tinh tế , trình độ thẩm mĩ, thêu thùa của người con gái Thái. Và nó tạo nên bản sắc văn hóa riêng của người dân tộc Thái đen, được đúc kết, trao truyền qua nhiều thế hệ.

Giống như cách làm thổ cẩm truyền thống, khăn Piêu được dệt từ sợi bông, sau đó nhuộm chàm. Cho tới khi vải khô, người phụ nữ Thái mới bắt đầu thêu lên những hoa văn sặc sỡ và bắt mắt. Có 3 loại hoa văn được thêu trên mỗi chiếc khăn là tà leo, cút piêu và sai peng. Trong đó tà leo là vật trừ đuổi tà ma, bảo vệ thần hồn cho người đội khăn, cút piêu là phẩm vật cao quý của người bề trên và sai peng là dây tình của đôi lứa. Tuy nhiên cả ba loại hoa văn này chỉ được thêu  ở hai đầu của chiếc khăn.

Hình ảnh chiếc khăn Piêu của người dân tộc Thái đen Điện Biên.

Có thể nói rằng, khăn Piêu là sự kết hợp độc đáo, khéo léo giữa màu xanh của núi rừng, màu vàng của ánh nắng,  của lúa chín, màu trắng, màu hồng của những loài hoa đang khoe sắc và tỏa ngát hương thơm. Mỗi một hoa văn trên chiếc khăn Piêu có thể được xem như là cách ứng xử của con người đối với quê hương,  bản làng.

Theo quan niệm của người Thái thì chiếc khăn Piêu được xem như là một tiêu chuẩn để đánh giá phẩm hạnh của một người con gái. Nếu người con gái không biết làm Piêu thì được xem là lười và ít được các chàng trai để ý, thậm chí là không ai muốn lấy một người vợ lười như thế.

Ngay từ khi còn bé thì người con gái Thái đã được mẹ dạy cho cách thêu thùa, may vá, dệt vải, làm khăn Piêu. Và việc học làm khăn Piêu đối với người con gái Thái là một quá trình nhận thức, rèn luyện sự khéo léo của đôi bàn tay, tính kiên nhẫn và tỉ mỉ. Đến năm 15, 16 tuổi thì việc thêu thùa, may vá, dệt vải, làm khăn đã được thành thục và người con gái phái tự làm khăn Piêu cho mình để đi lấy chồng, ngoài những đồ dùng như chăn, đệm, gối . . . thì chiếc khăn Piêu là một món quà không thể thiếu để cô dâu tặng gia đình nhà chồng khi về làm dâu.

Hình ảnh cô gái Thái và mẹ đang ngồi thêu khăn Piêu.

Trong đời sống tình cảm của người Thái thì chiếc khăn Piêu chính là minh chứng đặc biệt cho tình yêu đôi lứa.

Tôi thường được nghe các bà, các mẹ kể lại rằng: Vào những dịp lễ hội, khi cô gái tung còn, chàng trai nào bắt được phải đền cho cô một hoặc hai đôi vòng bạc. Còn khi chàng trai ném mà cô gái không bắt được phải đem khăn Piêu ra tặng. Chiếc khăn Piêu khi ấy lại trở thành cái cớ để họ yêu nhau. Nhưng nếu cô gái không yêu chàng trai thì có thể đem vật khác đến xin lại chiếc khăn của mình. Và khi trong nhà có tang, thì khăn Piêu làm lễ vật mang theo người mất và con cháu cũng phải đội khăn piêu trong đám tang.

Khăn Piêu có tác dụng che đầu khi nắng gió, làm ấm đầu khi mùa đông giá lạnh. Và nó còn được xem như một loại trang sức không thể thiếu khi người con gái Thái diện những bộ trang phục truyền thống vô cùng lộng lẫy. Nó khiến cho các cô gái tự tin và càng thêm rực rỡ hơn trong bộ trang phục đó.

Hình ảnh cô gái Thái diện bộ trang phục dân tộc cùng với chiếc khăn Piêu.

Ngoài việc che nắng, che mưa thì khăn Piêu còn góp mặt trong các lễ hội của người Thái, đặc biệt là nó còn tham gia cùng các bà, các mẹ, các cô gái  vào điệu múa xòe thân quen của người Thái. Tiếng nhạc vang lên, chiếc khăn Piêu cùng đung đưa, nhảy múa theo tiếng nhạc rộn ràng, ngân vang giữa một vùng trời Tây Bắc.

Ngày nay, cùng với xu hướng hội nhập Quốc tế thì chiếc khăn Piêu không chỉ xuất hiện ở trong bản làng nữa, mà nó còn là một món quà kỉ niệm  cho những du khách có dịp đến  thăm Tây Bắc. Nếu các bạn có cơ hội ghé thăm Tây Bắc thì đừng quên chiếc khăn Piêu này nhé!

Khăn Piêu tuy đẹp như thế, ý nghĩa như thế nhưng ngày nay nó đã dần mai một đi. Chúng ta đã không còn thấy hình ảnh người con gái Thái ngồi bên hiên nhà thêu chiếc khăn Piêu nữa. Vì vậy, là một người con của núi rừng Tây Bắc, là một người con gái Thái, tôi hy vọng rằng mỗi một người con gái Thái hãy lưu giữ và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp này của dân tộc mình.

 

                                      Tác giả : Lường Thị Hiền

   K59 – Đại học Giáo Dục Mầm Non, Trường Đại học Tây Bắc

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Categories Bình đẳng giới/Nữ sinh dân tộc thiểu số/Tin tức - Sự kiện

Tác giả: Dự án Nữ sinh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *