BÀI DỰ THI: “Giấc mơ”

 2,667 lượt xem

Inh lả ơi. Sao nọng ơi….” Thanh âm của bài dân ca Thái- Tây Bắc đang vang trên cánh đồng xanh mơn mởn màu của mạ non mới cấy, Hùng đang thổi chiếc kèn lá. Hùng cũng như bao chàng trai người Thái khác trong bản đều biết dùng lá rừng để thổi tạo ra những âm thanh bay bổng. Đứng bên cạnh Hùng là Mai_một cô gái thái với thân hình nhỏ nhắn. Mai năm nay mới 17 tuổi, kém Hùng một tuổi. Cô là một cô gái ham học và giàu tình yêu với bản làng. Thấy Mai đang ngơ ngẩn nhìn mình, Hùng ngừng thổi rồi bỏ chiếc lá sắn xuống. Anh nói:

Đợi đến mùa gặt, Anh sang thưa chuyện với bố mẹ cho Mai về chung nhà với anh nhá.

– Mai còn muốn đi học cơ (Mai đáp).

Mai đừng học nữa, các bạn trong bản mình đều lập gia đình hết cả rồi. Mai mà đi học tiếp sẽ thành gái già không ai rước đâu ( giọng Hùng nghẹn ngào).

Mai không nói gì, lặng lẽ ngồi xuống bên bờ ruộng. Đôi mắt nhìn lơ đãng như để tránh ánh mắt của Hùng.

Mai và Hùng vốn là đôi bạn “Thanh mai trúc mã” cùng nhau lớn lên tại một bản hẻo lánh của huyện Thuận Châu_Sơn La, nằm cách trung tâm huyện rất xa, địa hình hiểm trở, kinh tế và giao thông vô cùng khó khăn. Lên cấp hai hầu như bạn bè của Mai đều bỏ học lấy chồng hết cả, may mắn còn sót lạị Hùng và Mai được tiếp tục học đến cấp ba. Nhưng Hùng cũng đã bỏ học cách đây một năm. Vì nhà Hùng chỉ có hai mẹ con nên Hùng phải bỏ học theo mẹ làm nương và giờ là lúc Hùng phải lấy vợ để đỡ đần mẹ việc nhà. Mai thấy lòng bối rối, bởi cô thấy thương Hùng quá. Hơn nữa nghĩ đến đám bạn của mình đều đã sớm lấy chồng Mai như thấy mình đơn độc trên hành trình theo đuổi con chữ. “Hay là lấy Hùng?”_cô chợt nghĩ.

Bỗng trông từ đằng xa cô thấy lũ trẻ con lem luốc đang đuổi bắt cào cào, châu chấu, ếch nhái,… trên đám cỏ ven bờ ruộng. Cô chợt nhớ ra chuyện bố kể, hôm nay lại có một đứa trẻ trong bản bỏ học. Như có một luồng sáng chạy qua suy nghĩ của cô:“ Không! Mình không thể lấy Hùng. Mình nhất định phải đi học để trở thành cô giáo, chỉ có đem cái chữ về bản thì cuộc sống của dân bản và cả những em nhỏ đó mới có thể khá lên được. Những em nhỏ đó phải được biết chữ”. Quay sang Hùng, Mai nói:

– Anh Hùng đừng đợi Mai nữa. Mai muốn làm cô giáo,Mai sẽ thi đại học rồi thành phố học.

Vừa dứt lời, cô vội vã chạy về nhà. Thấy ông nội và bố đang chẻ củi ở trước sân. Mai vội vã thưa chuyện:

Ông ơi, con sẽ thi đại học. Con muốn trở thành cô gáo.

Ông nội Mai buông chiếc rìu xuống. Giọng lắp bắp:

Mày học nữa cũng chẳng được tích sự gì đâu, chỉ tốn cơm tốn gạo mà thôi. Con gái lớn là phải lấy chồng. Như mẹ mày có biết con chữ nào đâu vẫn nuôi mày lớn tới từng này. Ở nhà không được học nữa.

Trước cơn thịnh nộ của ông nội, bà nội Mai vội vã đến nắm lấy tay cô và nói:

-Con hãy ngoan ngoãn nghe lời ông đi.

Bố Mai không nói chỉ lặng lẽ đi ra vườn. Mẹ Mai từ trong bếp nói vọng ra:

Con gái lớn phải gả chồng, có học nữa cũng chẳng được tích sự gì. Ngay lúc này đây Mai hiểu rõ rằng ước mơ trở thành cô giáo của mình đang vấp phải sự phản đối quyết liệt từ gia đình. Điều này cũng không khiến cô ngạc nhiên, bởi cô hiểu rất rõ để học đến cấp ba đã là điều không tưởng đối với một đứa nhà nghèo như Mai. Hơn nữa suy nghĩ con gái không cần phải học lên cao đã ăn sâu vào trong tiềm thức của những con người chỉ quen “ Bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nơi đây.

(Ảnh: Các cô gái Thái đen ngày xưa đi chợ phiên)

Bất chấp sự phản đối dữ dội của gia đình và những lời chỉ trích, chê trách của mọi người xung quanh, Mai vẫn ngày ngày đi bộ hơn sáu kiômet để đến trường. Một năm trôi qua, cô lặng lẽ ôn thi có những đêm cô thức trắng với đôi mắt thâm cuầng.

Một buổi sáng nọ, đang trên đường tới trường thì Mai bị ngất. Cô nằm bất tỉnh trong trạm y tế xã suốt một ngày. Bác sĩ nói cô bị suy nhược cơ thể do học quá sức. Mọi người trong nhà ai cũng không khỏi xót xa khi thấy gương mặt xanh xao gầy gò của cô. Một mẩu giấy rơi ra từ chiếc cặp sách của cô. Ông nội Mai nhặt tờ giấy lên,mắt ông đã mờ nhưng vẫn cố đọc hết những gì ghi trong tờ giấy. Trong tờ giấy cô viết hết những điều mà mình nghĩ suy, những giấc mơ, những dự định cô đang ấp ủ mà bấy lâu nay chẳng ai lắng nghe. Ông như hiểu ra mội điều gì đó. Khi Mai tỉnh dậy, cô đưa mắt nhìn mọi người trong nhà, hai hàng nước mắt lã chã rơi trên gò má hốc hác. Ông ôm Mai vào lòng và nói:

 –Cháu gái của ông nhất định phải trở thành một người cô giáo tốt nhé.

 Mọi người đều mỉm cười nhìn Mai. Ai cũng thầm hiểu rằng Mai đã có thể tiếp tục con đường học vấn của cô.

Ngày Mai nhận được giấy báo trúng tuyển đại học, bố cô đem con bò là tài sản lớn nhất trong nhà đem bán. Mẹ đem những thước vải đã được dệt tinh xảo cùng những chiếc khăn piêu mẹ vừa thêu xong đem bán. Vậy là đã đủ tiền cho Mai xuống thành phố học rồi.

Đêm hôm đó bên bếp lửa hồng, Mai ngồi thêu khăn Piêu, còn mẹ Mai đang khéo léo nhuộm vải bằng chàm. Mẹ nói với Mai:

Khăn Piêu là vật gửi linh hồn của người phụ nữ Thái mình con ạ. Cô gái Thái nào cũng phải trang bị cho mình những chiếc khăn piêu vừa để đội đầu làm duyên vừa để làm vật đem tặng cho gia đình nhà chồng. Gia đình nhà chồng càng đông người thì số lượng khăn Piêu đem tặng cũng nhiều. Trung bình mỗi cô gái phải chuẩn bị từ mười đến mười bốn chiếc trước khi về nhà chồng”. Mai cầm chiếc khăn trên tay lòng bồi hồi nghĩ về Hùng, giờ Hùng đã sang ở rể nhà một cô gái Thái trong bản, cô gái ấy là một cô gái kéo léo:

“ Ngồi xổm thêu được hình chim phượng

Ngồi nghiêng quay sợi thành chùm hoa xo xe”

 (Ca dao Thái).

Rồi cô chợt mỉm cười, tay cô vẫn liên tục luồn những đường kim và kéo những sợi chỉ một cách cần mẫn. Ý nghĩ về Hùng lắng xuống rồi biến mất theo màn đêm. Cô nghĩ về những đứa trẻ rồi chìm vào giấc mơ về những con chữ.

(Hình ảnh: Các cô gái Thái duyên dáng

Trong bộ váy áo cóm hiện đại)

Trước khi lên xe để xuống trường, bà nội liên tục nhắc Mai không được cắt đi mái tóc dài thướt tha của mình. Mái tóc đối với người phụ nữ thái rất quan trọng. Người phụ nữ Thái từ nhỏ đã được dạy phải giữ cho mái tóc suôn mượt, đen thẳng như dòng suối để khi về nhà chồng thì “tẳng cẩu” được đẹp hơn. Tẳng cẩu đánh dấu một bước trưởng thành lớn trong cuộc đời người phụ nữ. Mái tóc của Mai buông dài đến tận hông. Nó luôn giúp cô trở thành tiêu điểm chú ý vậy nên cô luôn kiêu hãnh với mái tóc của mình.

 Từ trong nhà ông vội vã đem một gói sôi tím cùng một gói cá gập nướng theo cách gọi của người Thái là “Pa pỉnh tộp’’. Hôm qua ông nội Mai đã vào rừng để tìm lá “ Cò khẩu cắm” để nấu sôi tím cho Mai. Đặt tay lên vai Mai ông dặn:

 “ Được nắm sôi ngon chớ quên ruộng

Được khúc cá bùi chớ quên suối”.

 Đó là câu tục ngữ nổi tiếng của dân tộc Thái mà ông luôn tâm đắc dùng để nhắc nhở con cháu nhớ về nguồn cuội của mình. Cố nén tiếng nấc nghẹn, Mai bỏ gói sôi cùng cá thơm lừng vào trong balo rồi bước lên xe.

Xe bắt đầu lăn bánh, ngôi nhà Sàn giữa lưng đồi của gia đình Mai mờ dần rồi biến mất khỏi tầm nhìn của cô. Trong tâm trí mình hình ảnh “Khau cút” vẫn uy nghi trên nóc nhà khiến lòng cô gái bỗng rưng rưng niềm lưu luyến đến kì lạ. Đây là lần đầu tiên cô gái trẻ đi xa nhà, xa bản làng. Hành trang cô mang theo là trái tim tuổi trẻ đang sôi sục những khát khao. Mai tựa đầu bên khung cửa sổ của chiếc xe khách, đưa mắt nhìn dòng người vội vã trên đường. Từng vòng xe vẫn quay đều trên chuyến hành trình đến trường của cô. Nơi mà cô sắp đến đó chính là Trường Đại học Tây Bắc_ngôi trường đã chắp cánh cho giấc mơ của biết bao nhiêu thế hệ sinh viên dân tộc thiểu số như Mai. Đứng trước cổng trường cô đã nghe thấy “Hành khúc trường Đại học Tây Bắc” vang vọng. Cô bước từng bước với bộ váy hoa rực rỡ, chiếc áo cóm với hàng cúc bạc xinh xắn và đội chiếc khăn Piêu mới thêu; tiếng xà tích cài dưới thắt lưng xanh vang lên trong trẻo hòa lẫn với nhịp tim bồi hồi xao xuyến.

Mai đã thấy bảng đen và phấn trắng cùng những nét chữ nghiêng nghiêng. Cô đã thấy lũ trẻ trong bản mình hiện ra trong tâm trí. Chúng không còn phải đi đào dế, bắt ve giữa trưa hè vì mưu sinh nữa mà chúng sẽ được đi học. Và mẹ của Mai cùng những người nông dân nghèo khác nữa đều sẽ biết đọc, biết viết. Cô thấy giấc mơ đang hiện hữu ngay trước mắt mình, nhưng cô hiểu rõ để chạm tay vào giấc mơ thì đó là cả một hành trình dài nỗ lực phía trước.

Tác giả: Lò Thị Kim Duyên

Lớp: K59 ĐHGD tiểu học A – Khoa Tiểu học- Mầm non – Trường ĐH Tây Bắc.

 

 

 

 

 

Categories Bình đẳng giới/Góc chia sẻ/Nữ sinh dân tộc thiểu số/Phóng viên nhỏ/Tin tức - Sự kiện

Tác giả: Dự án Nữ sinh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *