BÀI DỰ THI: Tự hào người Thái đen Điện Biên

 2,028 lượt xem

Mời các bạn đến với Điện Biên chúng tôi !

Điện Biên vào những ngày này trong tiết trời oi ả, những ánh nắng vàng rực nhưng có lẽ nó cũng không thể giấu đi một làng quê hiện lên với tất cả vẻ giản dị, thân thương.

Ai đã từng đến với Điện Biên ắt hẳn sẽ không khỏi ngỡ ngàng vì cảnh sắc thiên nhiên quả là tuyệt đẹp, trù phú khi nơi đây rực lên một màu vàng bát ngát, màu vàng của ánh nắng, màu vàng của cánh đồng lúa Mường Thanh, hơn nữa là mùi thơm của lúa chín một cảm giác đến nao lòng.

Mường Thanh cánh đồng lúa lớn nhất( Điện Biên)Tây Bắc, bên cạnh đó là cánh đồng Mường Lò ở Yên Bái, cánh đồng Mường Than ở Lai Châu, cánh đồng Mường Tấc ở Sơn La. Từ xưa đã có câu truyền khẩu “Nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc” là vì vậy.

Tôi rất tự hào khi mình là một người con được sinh ra trên mảnh đất Điện biên, mảnh đất anh hùng, đi vào trang sử vàng chói lọi của đất nước.Điện Biên quê tôi ghi dấu chân của biết bao vị anh hùng! Là địa danh không chỉ đi vào lịch sử Việt Nam mà cả trong lịch sử chiến tranh thế giới hiện đại. Chiến thắng Điện Biên Phủ gây một tiếng vang lớn giúp thế giới biết đến 1 địa danh nhỏ bé này.Và đến với nơi đây bạn không thể bỏ lỡ các món ăn đặc sản tại vùng đất này như là cá nướng(pa pỉnh tộp),canh bon, măng đắng, rêu nướng, chẩm chéo, xôi chim Mường Thanh, rau dớn…Ngoài ra Điện Biên còn có muôn vàn điểm tham quan du lịch thu hút rất nhiều các vị khách cả trong và ngoài nước nổi tiếng với sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ, đồi A1, bảo tàng chiến thắng Điện Biên Phủ, tượng đài, hầm chỉ huy đờ cát, hang thẩm báng, đèo Pha Đin…Nếu có dịp hãy theo tôi về Điện Biên bạn nhé!

Nằm ở  phía Tây Bắc của tổ quốc Điện Biên có vị trí hết sức độc đáo nơi “  Một tiếng gà gáy mà ba nước đều nghe thấy ”do đó Điện Biên là nơi trung gian và có sự giao thoa, giao lưu văn hoá giữa Lào và Trung quốc.

Với nét đẹp đặc trưng Điện Biên dễ làm say lòng những vị khách từ phương xa tới, ngoài những đặc sản mà tôi đã nêu ở trên thì Điện Biên còn có một đặc sản quý, thấm đậm tình người đó là lòng mến khách.Đây là nơi sinh sống của 21 dân tộc anh em như là Thái, kinh, hmong, khơ mú,.. và mỗi một dân tộc đều có một lối sống riêng, có nền văn hoá riêng, trang phục riêng nó toát lên một vẻ đẹp hết sức thuần khiết. Vẻ đẹp của những con người ấy hoà quyện với thiên nhiên trầm lắng, nguyên sơ nó in đậm dấu ấn của lịch sử là thứ tài nguyên vô giá của dân tộc.

Có lẽ điều làm tôi tự hào hơn cả đó là tôi sinh ra là người con của dân tộc thái đen giữa lòng chảo của Điện Biên.

Đây là mẹ tôi trong trang phục váy, áo cóm

Điểm đặc biệt nhất của người phụ nữ thái đen đó là búi tóc lên đỉnh đầu tiếng thái gọi là (tẳng cẩu), đây là một biểu hiện hết sức quan trọng trong cuộc đời, đó là khi đã kết hôn.Tẳng cẩu vừa là minh chứng rằng người con gái Thái đã có chồng, cũng vừa có một ý nghĩa nữa là chiếc tẳng cẩu này mang theo một phần hồn vía (phi khuôm) của người chồng. Vì thế mà người phụ nữ Thái không được tự ý thả tóc xuống, nếu không sẽ làm mất sự may mắn, đem đến sự đen đủi, ốm đau, bệnh tật cho người chồng.

Ngày xưa thì người phụ nữ Thái thường để mái tóc rất dài, họ có bí quyết chăm sóc tóc riêng là gội bằng nước vo gạo nếp. Nước gạo nếp được ngâm từ 3-4ngày cho đến khi có mùi thum thủm, rồi lọc lấy phần nước cốt đặc làm nước gội đầu. Theo như lời mẹ kể thì chăm sóc tóc bằng nước vo gạo như vậy không chỉ làm cho mái tóc đen, mượt, mà còn rất sạch tóc và ít bị hư tổn,nhưng do điều kiện sống, sinh hoạt, những người phụ nữ Thái rất hạn chế gội đầu, một tuần họ chỉ gội 1 lần, thậm chí 2-3 tuần mới gội một lần. Khi thả tóc xuống họ thường có những câu niệm xua đuổi cái xấu và cầu những điều may mắn đến với người thân và gia đình như: “Ằn hại, ằn uối lày pày tỏi nặm toi đìn, ăn khăn, ằn chăn ma hẩu hươn rảo hau nơ” “ Cái xấu, bệnh tật, cái không tốt đẹp, may mắn, theo dòng nước chảy hết vào đất. Cái may mắn, tốt đẹp hãy đến với gia đình…”.

Không những vậy người phụ nữ thái còn khéo léo, tinh tế qua những đường kim mũi chỉ được thể hiện rõ nhất trong chiếc “ Khăn Piêu”

Khăn Piêu của người thái đen Điện Biên

Khăn Piêu mang đậm nhiều ý nghĩa riêng ,nó là tiêu chuẩn để đánh giá phẩm hạnh, sự khéo léo của người phụ nữ. Và ở mỗi nơi thì người ta sẽ có một cách trang trí các hoạ tiết tuỳ thuộc vào địa hình, cảnh vật cũng như là thẩm mỹ của mỗi người, Khăn Piêu nó như là 1 món đồ trang sức tô điểm thêm vẻ đẹp của người phụ nữ thái.

Khi trong nhà có tang, khăn Piêu cũng được dùng làm lễ vật mang theo người mất và con trai sẽ đội những tấm vải trắng tự dệt, con dâu phải đội khăn Piêu trong đám ma. Do đó Piêu là một nét văn hoá không thể thiếu đối với người phụ nữ dân tộc thái đen.

Tôi rất tự hào và may mắn khi được là một trong những thành viên tham gia Dự Án “ VỀ BẢO TỒN VĂN HOÁ TRUYỀN THỐNG TRONG KHUÔN KHỔ DỰ ÁN CỦA AUS4SKILLS”. Do cô Lường Hoài Thanh trực tiếp hướng dẫn, một cô giáo trẻ tuổi , tài năng của trường Đại Học Tây Bắc chúng tôi.

Nét đẹp của người con gái thái.

Qua dự án tôi càng yêu thêm dân tộc mình, yêu con người, yêu thiên nhiên, yêu mọi khung cảnh đất trời nơi núi rằng Tây Bắc. Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Điện Biên chứng kiến bao sự đổi thay tôi cảm thấy thật sự may mắn xen lẫn hạnh phúc.

Mặc dù quá khứ đã lùi xa nhưng trong tôi Điện Biên Phủ mãi là một niềm tự hào. Tôi mong rằng những nét đẹp văn hoá, truyền thống dân tộc sẽ mãi được lưu truyền và bảo tồn qua nhiều thế hệ kế tiếp.

Tác giả: Lò Thị Anh

Lớp k58 ĐHSPLịch Sử – Trường ĐH Tây Bắc

 

 

 

 

 

 

 

Categories Bình đẳng giới/Góc chia sẻ/Nữ sinh dân tộc thiểu số/Tin tức - Sự kiện

Tác giả: Dự án Nữ sinh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *