BÀI DỰ THI: “Nghi thức tằng cẩu của phụ nữ Thái đen Tây Bắc”

 15,299 lượt xem

Tóc em dài tựa gieo vờn trong nước, tay em đan sợi nắng chiếc khăn piêu. Đợi chờ tiếng pí trao duyên hòa cùng gió núi, tiếng trọc sàn tình tứ hòa  nhịp điệu với mây tró sao trăng. Để trái đón lấy trái còn từ tay ai ấm áp và thật đặc biệt người thiếu nữ thái đã yêu thương ai đó, sẽ lấy chồng và làm vợ.

Chấp nhận để nhà trai búi tóc tẳng cẩu khẳng định thân phận đã thuộc về chàng trai và gia đình dòng tộc đó. Người con gái Thái đen từ nay em đã có chồng.

Ảnh. Lễ tằng cẩu của người Thái đen

Bản thân em từ khi sinh ra cho đến lúc lớn lên em đã thấy mẹ, bà, cô,có một búi tóc trên đầu, còn như em và các bạn bè trang lứa khác thì không có búi tóc đó. Bao nhiêu câu hỏi đặt lên trong đầu em. Tại sao bà, mẹ mình lại búi tóc lên như vậy? Còn mình thì không? Và những thắc mắc này em đã được mọi người giải thích rằng: Đây chính là một dấu hiệu để phân biệt giữa người con gái thái đã có chồng hay không có chồng. Khi người con gái đã lấy chồng thì sẽ làm lễ khửn cẩu hay còn gọi là “Tẳng Cẩu”. Còn em vẫn là một cô thiếu nữ chưa lấy chồng nên chưa búi tóc tẳng cẩu. Đây là phong tục từ ngàn xưa – một nghi lễ linh thiêng để lại nhiều dấu ấn không phai mờ trong suốt cả cuộc đời phụ nữ Thái đen.

Và hôm nay em sẽ giới thiệu cho mọi người “Nghi thức tằng cẩu của phụ nữ Thái đen Tây Bắc”.

Vậy tẳng cẩu có nghĩa là gì? Chúng ta có thể hiểu “Tẳng cẩu” có nghĩ là búi tóc ngược lên trên đỉnh đầu là một nghi thức quan trọng không thể thiếu của người phụ nữ Thái đen trong hôn nhân. Giản dị, mộc mạc nhưng từ bao đời nay Tẳng cẩu vẫn luôn song hành và gắn bó mật thiết với cuộc sống của những người phụ nữ Thái đen, trở thành nét đặc trưng quan trọng – một dấu hiện nhận biết không bị nhầm lẫn với bất cứ dân tộc nào khác trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Lễ “Tẳng cẩu” được tiến hành tại nhà gái, trên nhà sàn phía cửa sổ có ánh nắng mặt trời chiếu sáng, trước khi làm lễ đón dâu về nhà chồng.
Sáng ngày làm lễ “Tẳng cẩu”, đoàn nhà trai sang dự lễ cưới và đón dâu có đến hàng chục người.  Khi “tẳng cẩu” thì cô dâu ngồi giữa quay mặt về phía mặt trời mọc, mọi người ngồi và đứng xung quanh. Khoảng 7 – 8 giờ sáng, những tia sáng trong lành của một ngày mới chiếu qua ô cửa sổ thì tiến hành làm lễ “Khửn cẩu”.

Đồ vật làm lễ Tằng cẩu do bố mẹ cô dâu chuẩn bị được xếp lên mâm, bao gồm: Một đĩa đựng 4 chén rượu, 1 chai rượu đặt bên cạnh. Một cái mẹt đựng: 2 bát gạo (xòng thuổi khảu), 2 quả trứng được đặt lên bát gạo, 2 bông hoa được cắm trên hai bát gạo, 1 cọn vải trắng (châu đón), 1 cọn vải kẻ đỏ (châu đènh), 1 trâm cài tóc (mản cẩu), 1 xa búi tóc, 1 bộ áo cóm và váy (xỉn sửa), 1 dây thắt lưng (sai yều), 2 vòng tay bạc (xòng pắc khen), 1 xà tích (sỏi), 1 cái gương (ben), 1 cái lược (cản bì), 1 đôi búi tóc giả (xòng cản chọong), 1 bát nước cỏ mần trầu (thuổi phắc nhả hút). Ngoài ra phải có: 1 cái lược để chải tóc cho cô dâu, 1 bát nước lã trong có: Sỏi ba bến (hin xam ta), búi rau mần trầu ba vườn (tổn nhả hút xuôn) để nhúng lược vào chải tóc cô dâu, với ý nghĩa:
Ba hòn sỏi thả vào bát nước là tượng trưng cho gia đình luôn có 3 thế hệ cùng chung sống khỏe mạnh, mặt khác cầu cho đôi vợ chồng trẻ vững niềm tin xây dựng tổ ấm hạnh phúc, cũng như những hòn sỏi kia dù ngâm trong nước hay ở ngoài bãi sông suối vẫn luôn cứng cỏi không bao giờ bị mối mọt mục nát.

Ba búi cỏ mẩn trầu thả vào bát nước tượng trưng gia đình luôn có 3 thế hệ cùng chung sống đoàn kết, làm ăn phát đạt, lộc tài sinh sôi nảy nở, êm ấm, hạnh phúc như búi mần trầu. Từ một gốc mần trầu, mọc nhiều nhánh mần trầu non sum suê vây quanh mần trầu mẹ thành bụi to, tạo cho bộ rễ chắc hơn, xanh mượt, khó nhổ, cho vào bát nước chải tóc là để tóc chắc, khỏe, mượt, dài nhanh, không bị rụng. Tất cả các thứ đã được chuẩn bị trước, đem đến đặt cạnh mâm đồ lễ búi tóc.

Mâm lễ búi tóc đã chuẩn bị xong, ông lễ nhà gái bê mâm vào xin phép tổ tiên. Sau khi cúm xong những đồ lễ để mang ra làm lễ, nghi lễ búi tóc ngược bắt đầu tiến hành, các cô, dì, chú bác hai bên gia đình sẽ cho quà vào mâm lễ (có thể bằng hiện vật hoặc tiền) với những lời chúc tốt đẹp cho đôi vợ chồng trẻ.

Ảnh. Đồ lễ để tẳng cẩu cho cô dâu

Có hai “me lam” (chủ hôn) hoặc “Nai tẳng cẩu”, một bên nhà gái, một bên nhà trai và 2 người phục vụ đứng bên cạnh cô dâu. Một “me lam” gỡ búi tóc đằng sau của cô dâu ra, chải thật mượt để kết cùng hai bó tóc rời, khi tóc đã chải mượt thì hất ngược toàn bộ tóc đằng sau lên đỉnh đầu, một người giữ búi tóc, cuộn tròn, mái tóc và hai bên hơi chùng, bồng ra. Để trang điểm búi tóc cho đẹp và giữ tóc khỏi bị tuột, người ta dùng 1 “cà sa” (túi lưới màu đen chụp lên trên), dùng cây trâm làm bằng bạc hoặc nhôm theo kiểu ống cuộn tròn do thợ kim hoàn làm, có chiều dài từ 10-12 cm. Một đầu đính vào đồng tiền bạc hoa xòe và đính sợi dây “xọi”, đầu kia vuốt nhọn. Dùng cây trâm xuyên qua “mản cẩu”. Đồng tiền bạc quay về phía trước hơi lệch bên phải, dây “xọi” móc vào phía đầu nhọn của cây trâm hơi lệch sang trái. Có thêm sự tô điểm của trang sức làm cô dâu tăng thêm vẻ đẹp và trông chững chạc hơn.

Vừa tẳng cẩu nai cẩu phải hát những lời dặn dò và chúc mừng hạnh phúc đôi uyên ương:

“Mái tóc dài trải cho mượt

Búi ngược lên thành tẳng cẩu

Từ nay về sau đã có chồng

Nước không dổ lòng không đổi hướng con ơi…!”

Khi đã búi tóc xong, “nai cẩu” thay váy áo mới xong đeo hai vòng tay vào hai tay, hoa tai… cho cô dâu. Tiếp đó lấy hai bát gạo được đặt quả trứng lên đổ vào túi. Bà cô lấy cọn vải đỏ giao cho cô dâu và cầm tay cô dâu trao cho chú rể, dắt tay nhau vào phòng cưới.

Khi hai “me lam” của hai gia đình đã làm xong phần lễ cho cô dâu và chú rể, họ cùng đi mời rượu khách đến nhà và bà con trong bản uống mừng để chúc phúc cho cô dâu, chú rể (thường khi vui vẻ uống rượu thì khung cảnh dưới sân là nhảy vòng xòe, trên nhà là những mâm rượu, họ cùng nhau mừng hạnh phúc cho đôi lứa).

Trên đây là nghi lễ tẳng cẩu của dân tộc thái đen mà em muốn giới thiệu với mọi người. Nét đẹp này cũng đã được nhạc sĩ Huy Thông viết thành bài hát nhằm ca ngợi vẻ đẹp của người nữ khi họ búi tóc lên tẳng cẩu về nhà chồng:  “Tẳng cẩu em về làm dâu, làm dâu nhà anh nọng sào đẹp xinh đẹp trong khăn piêu áo cóm. Tẳng cẩu em về làm dâu, họ hàng đôi bên mừng ngày hội vui, anh đón em sang bên nhà. Tẳng cẩu em làm dâu đạo lí từ ngàn xưa nét đẹp quê hương gìn giữ muôn đời sau…..”

 “Cô gái thái búi tóc lên khuân mặt tựa vầng trăng ánh mắt long lanh chan chứa yêu thương”

Tuy hiện nay nhiều cô gái thái không còn Tẳng cẩu khi về nhà chồng. Do phát triển đi lên của cuộc sống, do ảnh hưởng của văn minh đô thị, điều này không phải phong túc ấy đã mất đi mà chỉ là , đơn giản hoá đi thay đổi để phù hợp với cuộc sống mới. Bản thân vẫn luôn tự hào về phong tục này vì Tẳng cẩu là một nét đẹp độc đáo của người phụ nữ Thái. Chiếc trâm cài trên Tẳng cẩu như những ngôi sao nhỏ trên gương mặt tươi tắn, hồng hào của người phụ nữ Thái tạo cho họ sự duyên dáng và kiêu hãnh. Sự coi trọng của người Thái đối với đầu tóc là một phong tục mang đậm bản sắc văn hóa, qua đó cũng thể hiện sự tôn kính của người Thái đối với đấng sinh thành, tổ tiên những người đã tạo ra họ. Đó là phong tục đẹp ngàn đời, cần phải được lưu truyền và gìn giữ đến mai sau.

Tác giả: Bạc Thị Thu Oanh

K59 ĐHGD Mầm non

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Categories Bình đẳng giới/Nữ sinh dân tộc thiểu số/Tin tức - Sự kiện

Tác giả: Dự án Nữ sinh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *