BÀI DỰ THI: Bức thư Tự hào

 8,884 lượt xem

Sơn La, ngày 12 tháng 3 năm 2020

Thân gửi những người bạn đang và sẽ đọc lá thư này của tôi!

Bây giờ đang là 15 giờ 23 phút, ngày 12 tháng 3 năm 2020, tôi đang ngồi trong căn phòng trọ nhỏ với chiếc quạt cũ rích chống lại cái nắng hanh hao, bỏng rát của gió Lào, chiếc quạt cũ lúc quay ì ạch, thỉnh thoảng nó ngừng hẳn rồi rít lên từn cơn vì khô dầu và tuổi đời đáng kể, thật sự nó đã quá tuổi làm việc rồi. Tôi ngồi cầm bút tì lên tờ giấy Hải Tiến trắng tinh, cái bàn gấp sinh viên ọp ẹp chắc cũng mỏi mệt bởi sức nặng của tôi, tôi ngồi như thế cũng đã gần 3,4 giờ đồng hồ với mấy chục tờ giấy nháp lớn nhỏ, xếp chồng lên nhau.

Thực ra tôi đang lên ý tưởng cho bài dự thi “ Tự hào nữ sinh người dân tộc thiểu số”, tôi đã có rất nhiều ý tưởng và thậm trí đã lên kịch bản cho các video, bài phát thanh,… để dự thi, nhưng khi bắt tay vào làm lại thấy không vừa ý thậm trí là lưỡng lự không biết có nên gửi đi hay không nhưng ngoảnh lại nhìn đống giấy tờ toàn là kịch bản, dàn bài trên mặt bàn ý tưởng về một bức thư lóe lên trong đầu và tôi viết ngay lập tức, viết tất cả những gì mình muốn nói theo văn phong và giọng điệu riêng và đương nhiên nó chẳng cần một dàn bài nào cả, vì thế mong các bạn hãy đón nhận nó như một lời tâm sự mang tính đại chúng, tôi nói nó mang tính đại chúng vì tôi thực sự mong có nhiều bạn đọc bức thư này – Bức thư tự hào của tôi!

Tôi thấy bản thân là một người may mắn vì từ khi còn bé đã được thử sức mình trong nhiều cuộc thi lớn nhỏ, nhưng với cuộc thi “ Tự hào nữ sinh người dân tộc thiểu số ” tôi lại có những cảm xúc rất khác, tôi không lo lắng và căng thẳng như tham gia các cuộc thi khác bởi vì với cuộc thi này tôi được là chính mình, đem những thứ sẵn có trong nội tại bản thân kể với các bạn bằng tất cả lòng tự hào, và trân quý dân tộc mình. Lúc viết những dòng này tôi chỉ ước mình đang trực tiếp nói với các bạn chứ không phải ngồi trước màn hình máy tính như thế này!

Trong bức thư này, tôi sẽ không thể kể hết được những niềm tự hào của mình nên tôi sẽ chỉ kể với các bạn những gì mà tôi quan tâm nhất, tự hào nhất mà thôi. Các bạn đã sẵn sàng nghe câu chuyện của tôi chưa?

Đầu tiên, tôi luôn tự hào và kiêu hãnh khi được sinh ra và lớn lên trên quê hương anh hùng Sông Mã. Sông Mã  quê tôi là một huyện nhỏ nằm ở phía Tây Nam tỉnh Sơn La, có biên giới chỉ một con sông giáp với nước bạn Lào nên cái nóng nơi đây bỏng rát hơn những vùng khác. Mẹ thiên nhiên đã rất ưu ái với chúng tôi, ban cho chúng tôi vùng đất trù phú, các sản vật phong phú và đa dạng, suốt bốn mùa quanh năm đều có sản vật tươi ngon để thiết đãi du khách gần xa. Nếu như mùa hoa gạo đỏ rực đôi bờ Sông Mã làm nức lòng các nhiếp ảnh gia, thì mận hậu Pu Nhi, mía Chiềng Khương, xoài tròn bản địa, nhãn chín ngọt tại vựa nhãn lớn nhất vùng Tây Bắc, đặc sản rêu đá, cá sông nướng ăn với nếp nương,.. là một vài gợi ý các bạn không nên bỏ lỡ khi có dịp dừng chân tại Sông Mã. Ngoài ra, các bạn cũng có thể đến tham quan di tích lịch sử Quốc gia đặc Biệt Cây đa Mường Hung, đền thờ Hai Bà Trưng, suối nước nóng tự nhiên Chiềng Phung, thác Pá Mằn, thác Huổi Sẳng,… để trải nghiệm. Con người nơi đây nồng hậu, chịu thương chịu khó, trong những vất vả gian lao họ luôn nở nụ cười tươi hào sảng, nổi bật lên sức vóc rắn rỏi để đương đầu với thiên nhiên, với cái nóng cháy da cháy thịt rồi vun lên quả ngọt cho đời. Quê tôi là thế, trong quá khứ đã bao phen oằn mình lên chống giặc, nay thời bình lại hăng say sản xuất, thử hỏi với mảnh đất và con người kiên trung như thế không thương, không yêu, không tự hào sao được?

Điều thứ hai – đây cũng là điều mà tôi tự hào nhất. Tôi tự hào khi được sinh ra là người con dân tộc Thái Đen, được lớn lên trong cái nôi văn hóa Thái, được say giấc ngủ trong chiếc địu thổ cẩm trên tấm lưng của nương lúa triền ngô miền sơn cước, được ủ ấm bằng những tấm chăn thổ cẩm thơm mùi tràm. Tôi được say trong những câu chuyện ngày xửa ngày xưa của dân tộc mình, hằng đêm gối đầu câu chuyện “khồn lu nang ủa”, câu chuyện Nàng Ban chàng Khôm, sử thi “Táy pu sấc” được Mẹ và Bà kể. Tôi tròn mắt thán phục trước những làn điệu dân ca, điệu múa uyển chuyển, chiếc khăn Piêu rực rỡ, chiếc áo Cóm xinh đẹp của dân tộc mình. Những bước tập đi đầu tiên của tôi là trên triền đồi, những tiếng bập bẹ đầu đời là tiếng “Êm ơi!” bằng tiếng Mẹ đẻ – Tiếng Thái. Những bữa cơm bên nếp nhà sàn, mân cơm chỉ đơn giản là nếp nương, măng rừng, rau rớn, cá ao đã nuôi tôi khôn lớn, lưu lại trong tâm hồn hương vị mà không có thứ đặc sản nào sánh được, thứ  mà đi đâu cũng muốn tìm về. Những chiều hè như hôm nay cũng nhắc tôi nhớ về thuở bé, ông nội ngồi ghế mây vót tre đan sọt, vừa vót ông vừa dạy mấy đứa nhỏ chúng tôi “vẽ” chữ Thái và đánh vần, chính vì thế tôi yêu những nét móc cong cong ngay từ tấm bé, bây giờ đây tôi có điều kiện được học bài bản về chữ Thái, được cấp chứng chỉ nhưng tôi hiểu rất rõ ý nghĩa của những lớp học không chuyên của ông nội, và lớp học của ông sẽ chẳng thể cấp chứng chỉ bằng giấy, nó là sự truyền đạt văn hóa dân tộc. Ngôn ngữ, trang phục, thói quen sinh hoạt, văn hóa,… tất cả ngấm vào da thịt tôi, hòa vào tôi và tôi biết tôi sẽ chẳng còn là tôi khi thiếu mất đi chúng.

Tôi tự hào là nữ sinh người dân tộc Thái đen

Thứ ba, niềm tự hào về ngôi trường mà tôi đang học tập – Trường Đại học Tây Bắc. Đây là trường đại học đầu tiên ở khu vực Tây Bắc, đào tạo đa ngành, có đội ngũ cán bộ giảng viên trẻ, nhiệt huyết, giàu kinh nghiệm và tâm huyết với nghề. Tại đây chúng tôi được tiếp cận với dịch vụ giáo dục tốt nhất, cơ sở vật chất khang trang, hiện đại. Khuôn viên trường rộng rãi, hệ thống kí túc xá, lớp học, khu thực nghiệm đảm bảo đáp ứng nhu cầu học tập và sinh hoạt cho sinh viên và lưu học sinh, cây xanh trong trường luôn tươi tốt, hoa nở bốn mùa tạo nên một không gian lý tưởng để thư giãn sau những giờ học mệt mỏi. Ngoài ra trường còn có trung tâm chuyển giao công nghệ, cửa hàng giới thiệu nông sản sạch của trường, trung tâm nghiên cứu văn hóa Tây Bắc, trung tâm thông tin thư viện,các câu lạc bộ, đội nhóm thanh niên hoạt động tích cực…  đáp ứng được mọi nhu cầu cho học sinh, sinh viên nhà trường.

Chương trình tập huấn cán bộ Đoàn – Hội

Cuối cùng tôi luôn tự hào là một nữ sinh người dân tộc thiểu số, tôi tự tin khẳng định mình trên lĩnh vực mà mình quan tâm, tạo được những tác động nhất định đối với cộng đồng mình. Với việc bắt đầu tham gia tích cực vào các câu lạc bộ, đội nhóm như: CLB Thanh niên sống đẹp, CLB Sinh viên tình nguyện, CLB Khiêu vũ, Hội Sinh viên trường,….tại đây tôi được bộc lộ những thế mạnh của bản thân, được khích lệ và tư vấn phát triển bản thân đúng hướng. Năm 2018 tôi được lựa chọn là 1 trong tổng số 35 người trẻ trên cả nước tham gia khóa tập huấn “Change Makers Việt Nam năm 2018”, tôi được học tập, gặp gỡ và trao đổi để có những kiến thức đúng đắn và đầy đủ về Giới – Bình đẳng giới, từ đó tôi bắt đầu quan tâm đặc biệt tới vấn đề LGBT và Dân tộc thiểu số, ngay sau đó tôi và Khánh Linh – một người bạn đồng tham gia khóa tập huấn được CLB Thanh niên sống đẹp tạo điều kiện thực hiện buổi nói chuyện về Giới – Bình đẳng giới. Thông qua các hoạt động  đó tôi tự tin hơn, bạo dạn hơn, năng lượng trong tôi luôn tràn đầy, và tôi tiếp tục dồn năng lượng tích cực đó vào những hoạt động tiếp theo như: “Bảo tồn văn hóa truyền thống, trao quyền cho người phụ nữ thông qua nghề thủ công truyền thống người dân tộc Thái Đen”, Chương trình Ruy băng trắng,…đặc biệt trong năm 2019 vừa qua, tôi cùng với nhóm nghiên cứu của mình đã tham gia đồng  nghiên cứu đề tài “Tìm hiểu vai trò, vị trí của người phụ nữ La Ha tỉnh Sơn La trong gia đình và cộng đồng” trong khuôn khổ dự án You4re – Góc nhìn khác kiến tạo đổi thay do viện Nghiên cứu Môi trường, Xã hội iSee và UNESCO đồng hành tài trợ, với hoạt động này tôi được trực tiếp tham gia nghiên cứu, đi điền dã, phỏng vấn sâu, phân tích số liệu,… trong suốt quá trình đó tôi đã sử dụng tiếng dân tộc của mình để thực hiện và dịch sang tiếng Việt, điều này làm cho tôi cảm thấy bản thân mình trở nên quan trọng với dự án và mình thật sự có ích.

Tham gia khóa tập huấn “Change Makers Việt Nam năm 2018”

Vài tháng sau, chúng tôi được mời tham gia chương trình “Thanh niên nói chuyện về nghiên cứu và chia sẻ” do UNWOMEN và UNESCO tổ chức, được trưởng đại diện UNESCO Việt Nam MiChael Croft trao giấy chứng nhận, ghi nhận những đóng góp của nhóm chúng tôi trong việc tạo bằng chứng sửa đổi luật Thanh niên 2005. Tôi chia sẻ những điều này không phải để khoe mẽ mà tôi muốn nói với các bạn rằng: Hãy luôn là chính mình, trân quý những gì bản thân mình có, phát triển năng lượng nội tại và đưa nó đến với những chân trời mới!

Trưởng đại diện UNESCO Việt Nam MiChael Croft trao giấy chứng nhận “Thanh niên nói chuyện về nghiên cứu và chia sẻ”

Trong thời gian tới tôi vẫn sẽ tiếp tục tham gia nhiều hoạt động hơn nữa để phát triển bản thân và đóng góp sức mình vào những việc tốt đẹp, lan tỏa văn hóa của mình và tất nhiên không cho phép bản thân bỏ bê việc học. Có lẽ với một bức thư thì như vậy là quá dài nên tôi sẽ dừng bút tại đây, hy vọng sẽ có nhiều bạn đọc được bức thư này!

Người gửi

Lưu Ly

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Categories Bình đẳng giới/Góc chia sẻ/Nữ sinh dân tộc thiểu số/Phóng viên nhỏ/Tin tức - Sự kiện

Tác giả: Dự án Nữ sinh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *