BÀI DỰ THI: Nét đặc sắc trong chiếc Khăn Piêu Mường Vạt

 8,011 lượt xem

Khăn piêu là một vật không thể thiếu trong trang phục của người Thái đen, nó mang một nét văn hóa riêng, độc đáo và hấp dẫn. Đặc biệt đối với người Thái đen ở Mường Vạt (Yên Châu) thì chiếc khăn piêu ấy còn mang một màu sắc, một vẻ đẹp hoàn toàn riêng biệt, không bị pha lẫn với sắc piêu của những người Thái đen ở vùng khác tại Sơn La.

Ngày nay cuộc sống nhiều đổi thay, những nếp văn hóa dân tộc cổ xưa của người Thái đen Mường Vạt đã ít nhiều bị mai một. Những căn nhà sàn đã không còn được lợp bằng mái cỏ ranh mà thay vào đó là mái tôn, mai ngói đỏ tươi. Những bộ trang phục áo cóm cũng đã được cải tiến đi nhiều để phù hợp với đời sống lao động sản xuất và nhu cầu của người phụ nữ Thái. Ở một số nơi đã không còn thấy người phụ nữ Thái đen đội khăn piêu trên đầu mà thay vào đó là đội những chiếc khăn dệt máy với nhiều màu sắc khác nhau. Nhưng, ở Mường Vạt (Yên Châu) dù mọi thứ thay đổi đến đâu thì chiếc khăn piêu vẫn luôn đi cùng năm tháng, người phụ nữ Mường Vạt vẫn ngày ngày dệt vải thêu khăn, ngày ngày đội khăn piêu trên đầu mỗi khi đi bất cứ nơi đâu và làm bất cứ việc gì.

Người phụ nữ Mường Vạt với chiếc khăn piêu

Chiếc khăn piêu là sản phẩm kết tinh từ sự khéo léo, chăm chỉ của đôi bàn tay người phụ nữ Thái đen. Để thêu dệt nên một chiếc khăn piêu hoàn chỉnh phải mất rất nhiều công đoạn, từ trồng bông dệt vải cho đến lúc thêu xong. Nó đòi hỏi cao tính kiên trì và siêng năng của người phụ nữ Thái.

Nét đặc sắc trong chiếc khăn piêu Mường Vạt còn bắt nguồn từ việc chọn vải để thêu. Đối với khăn piêu của người Thái đen ở Mường Vạt – Yên Châu luôn dùng 100% vải tự dệt từ những sợi bông được trồng trên nương rẫy chứ không mua vải dệt bằng máy như ở một số vùng khác. Hình ảnh người phụ nữ Châu Yên với đức tính và truyền thống cần cù, chịu khó “vừa làm nương vừa bắn máy bay Mỹ rơi” luôn được hiện lên trong những lời ca, câu hát của các nghệ sĩ khi ghé thăm mảnh đất Yên Châu xinh đẹp. Ngoài công việc đồng áng, làm nương, làm rẫy người phụ nữ Mường Vạt còn tranh thủ tận dụng những khoảng thời gian nông nhàn để trồng bông dệt vải. Khi những cây bông đã lớn, đã ra hoa kết trái và cho đến khi đã thu hoạch được, quả bông được các bà, các mẹ, các chị, các cô em gái hái về nhà phơi khô, nhặt sạch và ép tách hạt để kéo thành sợi. Kéo sợi được đánh giá là một công đoạn khó, nó đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ của người phụ nữ Thái. Sợi chỉ được kéo ra thể hiện tính cách của người kéo. Người nào có tính kiên nhẫn và cẩn thận thì sẽ kéo được những sợi chỉ đều, mỏng, mịn. Khi kéo sợi xong các bà, các mẹ phải làm tiếp một số công đoạn mà tiếng Thái gọi là: pia phải, khả phải, phiền lót, khền húk rồi mới tiến hành tiến hành dệt vải.

Quá trình dệt tốn khá nhiều thời gian. Dệt vải là sự phối hợp khéo léo, nhịp nhàng giữa tay và chân. Những tấm vải trắng sau khi dệt được cắt ra thành từng sải có độ dài vừa đủ một chiếc khăn đội đầu, và được nhuộm chàm dưới đôi bàn tay khéo léo của người phụ nữ. Chàm là cây nhuộm đặc trưng của các dân tộc thiểu số ở miền núi phía Bắc, được tự tay người phụ nữ gieo trồng và cắt về ngâm để lấy nước nhuộm. Những tấm vải màu đen chàm khi vừa được nhuộm xong còn khá mềm và dính mùi chàm, để thêu được khăn piêu người ta phải giặt lại với nước của vỏ cây bồ kết để vải cứng và thoang thoảng mùi thơm bồ kết. Khi các công đoạn chuẩn bị vải đã xong, người ta mới tiến hành thêu khăn.

Với tập quán thôn bản và nếp văn hóa nhà sàn, cộng đồng người Thái đen luôn sống chan hòa, gần gũi và yêu thương nhau. Họ trao đổi với nhau những kinh nghiệm trong canh tác, trong lao động sản xuất và trong đời sống sinh hoạt hàng ngày. Đối với công việc dệt vải, thêu thùa của người phụ nữ cũng vậy. Khi đến với quê hương “chuối ngọt xoài thơm” chúng ta sẽ bắt gặp hình ảnh những người phụ nữ và các cô gái Thái cùng ngồi thêu khăn piêu giữa hiên nhà sàn.


Những người phụ nữ cùng ngồi thêu khăn piêu dưới hiên nhà sàn.

Chị Hùng – người phụ nữ giỏi thêu thùa, dệt vải cho biết: “Là phụ nữ người dân tộc Thái đen, ai cũng biết làm khăn piêu và ai cũng phải làm, khăn piêu được sử dụng rất nhiều và là vật không thể thiếu trong đời sống và trong sinh hoạt của người phụ nữ. Đặc biệt như nhà chị có con gái thì phải làm nhiều vì khi con gái về nhà chồng phải có khăn piêu để làm quà cho bố mẹ chồng và họ hàng bên nhà chồng. Piêu được làm tranh thủ vào những lúc rảnh rỗi như buổi trưa hoặc buổi tối sau khi đi làm về, trung bình để thêu xong một chiếc khăn piêu phải mất khoảng thời gian từ 2 – 3 tháng”. Vì lẽ đó, ngay từ khi còn nhỏ người con gái Mường Vạt được mẹ dạy cho cách thêu khăn và trong những thời gian rảnh rỗi các bé gái sẽ ngồi quây quần thêu khăn cùng mẹ, được mẹ dạy, chỉnh cho những đường nét, những họa tiết hoa văn sao cho đều đặn và đẹp hơn.

Chiếc khăn piêu là biểu tượng, là vẻ đẹp của người phụ nữ Mường Vạt nói riêng và người phụ nữ Thái đen nói chung. Nó được coi là sản phẩm đỉnh cao trong nghệ thuật thêu thùa thể hiện sự khéo léo và tính thẩm mỹ của người con gái Thái. Không chỉ khác biệt về màu sắc, khăn piêu ở Mường Vạt còn khác biệt bởi những hoa văn, họa tiết tinh tế. Đó là những hình ảnh biểu tượng cho cây cối, con vật, thiên nhiên gần gũi với đồng bào dân tộc Thái, như: hình lá cây rau bợ, cây bông, cây dương xỉ, hay những hình ảnh con vật hiền lành như con nai, con bướm, con chim, con cua và những hình mặt trăng, hình ngôi sao,… Ngoài ra còn một số họa tiết tái hiện lại hình ảnh lao động sản xuất, hình ảnh các đồ dùng, dụng cụ trong đời sống sinh hoạt của dân tộc Thái.  Đặc biệt, nét độc đáo, đặc sắc trong chiếc khăn piêu của các cô gái Mường Vạt còn được thể hiện ở các họa tiết hình trái tim, hình thêu các dòng chữ ngắn thể hiện tâm tư, tình cảm của chủ nhân chiếc khăn.

Các màu sắc trong chiếc khăn piêu là sự kết hợp độc đáo, hòa quyện giữa tư duy nghệ thuật của người phụ nữ Mường Vạt với thiên nhiên núi rừng Tây Bắc, như: màu xanh của cây cỏ; màu vàng của nương lúa, nương ngô; màu trắng của sương sớm, của hoa mơ, hoa mận, hoa ban…

Các họa tiết trong chiếc khăn piêu Mường Vạt

Khăn Piêu của người Thái đen ở Mường Vạt – Yên Châu không chỉ ấn tượng về hoa văn độc đáo, tinh xảo, màu sắc riêng biệt mà còn độc đáo và khác biệt ở cút piêu với màu chỉ và cách thắt nút rất riêng. Cút piêu là phần không thể thiếu của chiếc khăn piêu hoàn chỉnh. Cút piêu đòi hỏi sự cầu kì và tỉ mỉ, nó gồm ba bộn phận là cút, sảy và tồ. Phần tồ được lấy que gỗ cuộn tròn từ sảy tạo thành hình bông hoa và được thêu với sáu màu chỉ khác nhau tạo nên một bông hoa sáu cánh sặc sỡ. Phần cút được thắt lại thành hình cánh bướm tượng trưng cho sự gắn bó, yêu thương nhau của cộng đồng dân tộc Thái.

Khăn Piêu là một tiêu chí để đánh giá tài năng, phẩm hạnh của người con gái. Nếu như với cô gái Mường, cạp váy là thể hiện tiêu chí để đánh giá phẩm hạnh chăm chỉ, khéo léo thì với cô gái Thái đen đánh giá bằng chiếc khăn Piêu. Chàng trai dựa vào công việc trang trí hoa văn, họa tiết, đường nét trên chiếc khăn piêu để lựa chọn, đánh giá người bạn gái sao cho người  đó là người phẩm hạnh, nết na.

Trong đời sống tình cảm của người Thái đen ở Mường Vạt, khăn Piêu là vật kỉ niệm trong những lần gặp gỡ anh em, bạn bè phương xa. Là món quà không thể thiếu mỗi khi cô con gái về nhà chồng. Qua chiếc khăn piêu, mẹ chồng và họ hàng bên nhà chồng sẽ nhận xét, đánh giá được tính cách, phẩm hạnh của nàng dâu mới. Khăn piêu còn là vật trao duyên, là minh chứng đặc biệt cho tình yêu đôi lứa. Vào những dịp lễ hội của người Thái, khi cô gái tung còn, chàng trai nào bắt được phải đền cho cô một hoặc hai đôi vòng bạc. Còn khi chàng trai ném và cô gái không bắt được thì cô gái phải đem khăn piêu ra tặng. Chiếc khăn khi ấy trở thành cái cớ để họ yêu nhau. Nếu cô gái không yêu chàng trai thì có thể đem vật khác đến xin lại chiếc khăn của mình.

Chiếc khăn piêu không những là vật dùng để đội đầu của người phụ nữ mà nó còn là đạo cụ không thể thiếu trong các tiết mục múa xòe, múa khăn piêu đặc trưng của dân tộc Thái. Nó còn là vật quan trọng trong tín ngưỡng của người Thái đen, chứa đựng nhiều ý nghĩa tâm linh sâu sắc. Chiếc khăn piêu được coi như một vị thần che chở cho người phụ nữ khi nắng, khi mưa và khi gió rét. Người Thái đen ở Mường Vạt quan niệm rằng khăn piêu là vật để kết nối linh hồn hay còn gọi là “phí khuấn” với các đấng thần linh mỗi khi cúng bái. Và khi chết đi, người Thái ai cũng phải mang theo chiếc khăn piêu, khăn piêu như là vật chỉ đường cho các “phí khuấn” tìm được lối về mường trời, về với ông bà, tổ tiên.

Tôi yêu chiếc khăn piêu Mường Vạt

Ngày nay, cùng với sự phát triển của xã hội, nhịp sống đã có nhiều thay đổi, nhiều bạn trẻ người Thái đen ở Mường Vạt nói riêng và trên khắp mọi nơi nói chung đã không còn hoặc ít biết đến và giữ được các phong tục tập quán, các nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Tôi mong rằng với sức trẻ đang còn tràn đầy lòng nhiệt huyết và chứa đựng nhiều đam mê, những người trẻ chúng ta hãy sống chậm lại một chút để nhìn ngắm lại và bảo tồn, duy trì những bản sắc, những nét đẹp văn hóa của dân tộc mình mà ông cha, tổ tiên ta đã để lại.

Tác giả: Hoàng Thị Hạnh

Lớp K58 ĐHGD Mầm non A, Khoa Tiểu học – Mầm non, Trường Đại học Tây Bắc

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Categories Bình đẳng giới/Góc chia sẻ/Nữ sinh dân tộc thiểu số/Tin tức - Sự kiện

Tác giả: Dự án Nữ sinh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *