BÀI DỰ THI: Tự hào Nữ sinh người Dân tộc Thái đen

 4,313 lượt xem

Tôi là Thảnh, tôi thật may mắn và tự hào khi tôi được sinh ra và lớn lên tại mảnh đất anh hùng “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” – Điện Biên Phủ yêu dấu. Là một cô gái dân tộc Thái đen tôi yêu tất cả những con người, cuộc sống, lịch sử, phong tục và tập quán của quê hương mình.

Thái đen là một trong những dân tộc chiếm số đông ở đất nước ta, người Thái đen hiền hoà như đất vậy! Các bạn sẽ tìm được tình người ấm áp, một bản sắc độc đáo và cuốn hút khi đến với chúng tôi ở nơi đây.

Tôi thấy thật hạnh phúc và duyên dáng trong trang phục dân tộc Thái đen

Một trong những đặc sắc đắt nhất của người Thái đen chiếm được sự tò mò, ngạc nhiên và huyền bí đối với mọi người đó chính là phong tục tập quán của người Thái. Chúng ta đều biết rằng mỗi quốc gia, dân tộc đều có những nét độc đáo riêng cũng như người Thái chúng tôi vậy. Xin chia sẻ với mọi người đôi nét đặc sắc về người Thái đen chúng tôi sau đây:

Phần đa tất cả các gia đình trên mọi miền tổ quốc đến ngày lễ đều thắp hương cúng bái tổ tiên nhưng ở người Thái đen có một điều đặc biệt là cứ 10 ngày là nấu cơm thắp hương cúng bái tổ tiên một lần (tiếng Thái gọi là Pạt Tồng).

Mâm cơm Pạt Tồng

Sau khi đã tròn 10 ngày, chủ nhà sẽ thay nuớc và rửa bát đũa ở trong khu thờ cúng, Pạt Tồng ở đây được hiểu đơn giản là nấu cơm, đồ ăn, thức uống và bát đũa đuợc đem lên thờ cúng gia tiên, tất nhiên Pạt Tồng không kèm theo thắp hương nhé mọi người. Đồ ăn là những đặc sản của dân tộc như vào mùa lúa chín có một món cơm gọi là Khẩu Hang (cơm này là cơm nếp được đi gặt lúc lúa còn chớm vàng, sau khi đồ lên cả hạt thóc đem phơi khô và mang đi xát) điều đặc biệt là cơm này rất thơm và ngậy, cá (Pa pỉnh tộp), măng bút nướng – đây là một món ăn rất đậm vị thơm ngon của dân tộc… Thường người Thái quan niệm những đồ ăn được làm là những món ăn mà người đã khuất thích ăn nhất…Khi đã nấu xong xuôi sẽ được bày lên mâm đã được để nguyên trong đó bao gồm rượu hay nước ngọt, hai bán cơm (cũng có thể nhiều hơn tùy vào từng nhà thờ ít hay nhiều người thì sẽ tăng số lượng bát đũa). Khi dâng mâm lên chủ nhà sẽ mời gia tiên như sau: “Khẩu xúc pông bên tông pạt nớ pú lẳm nớ, khé cằn ma, ha cằn tẩu, cum cuôm lụ tẩu lụ lan –  (Cơm đã chín xong xuôi, hôm nay con làm lễ, mời các cụ, các ông,các bà xơi, mong gia tiên phù hộ cho con cháu). Một điều hết sức lưu ý đối với tục lệ này là phụ nữ là dâu trong nhà không được phép làm lễ,  người nấu cơm cúng bái phải sạch sẽ, tức phụ nữ đến cho kì kinh nguyệt sẽ không được nấu và chuẩn bị.

Tục lệ này đã có từ rất lâu đời, nó là một trong những tục lệ vô cùng quan trọng của người Thái, có quan niệm để lại rằng mỗi một gia đình người Thái phải có con trai để nối dõi, tuy nhiên thời đại hiện nay, điều đó là không cần thiết bởi vì con gái hay con trai đều có thể làm được lễ.

Chúng ta sẽ dễ dàng thấy những nét nổi bật hơn nữa của dân tộc Thái – tôi tự hào về những bản sắc ấy. Một trong những bản sắc quá đẹp, quá xuất sắc đó chính là chiếc khăn Piêu của người Thái.

 Chiếc khăn Piêu điển hình của người Thái đen

Chiếc khăn Piêu vẫn réo rắt một vùng trời Tây Bắc, mang một nét văn hóa riêng hấp dẫn và độc đáo. Piêu được làm từ một loại vải duy nhất,  người Thái gọi là vải Khít. Đi đến những làng bản của Điện Biên, Sơn La chúng ta sẽ bắt gặp những chiếc khăn Piêu nhiều màu sắc khác nhau. Mỗi chiếc khăn thể hiện qua những chi tiết, đường nét, hoa văn, họa tiết, sắc màu để nói lên tâm tư tình cảm và đặc biệt là thể hiện tính cách, nguyện vọng của những thiếu nữ mới lớn. Bởi lẽ khăn Piêu được các thiếu nữ tập làm từ lúc tuổi đời chớm nở hương hoa. Cuộc sống con người ngày càng hối hả và tấp nập, đồng nghĩa với việc tất cả mọi sự vật đều thay đổi nhanh chóng để bắt kịp với thời đại thì hiển nhiên bộ trang phục truyền thống cũng được cải tiến đi nhiều cho phù hợp với công việc lao động sản xuất hàng ngày. Nhưng dù thay đổi thì những cô gái không ngừng giữ gìn bản sắc của dân tộc mình. Khăn Piêu là sản phẩm đỉnh cao trong trình độ thêu thùa của người Thái.

Khăn Piêu không chỉ ấn tượng về màu sắc sặc sỡ với những đường nét tinh xảo, những họa tiết hết sức tỉ mỷ của đôi bàn tay dịu dàng cô gái Thái hơn thế nữa còn làm tôn vinh vẻ đẹp trên khuôn mặt của người con gái Thái. Khăn Piêu còn là một trong những tiêu chí để đánh giá một cô gái thái theo các tiêu chí như tài năng, phẩm hạnh…

Việc thuê thùa thể hiện ý thức, niềm tin và tâm tư của những cố gái, những cô gái khéo tay sẽ tạo ra những chiếc khăn tuyệt vời đường nét tinh xảo. Đến tuổi cập kê thì việc thêu thùa, may vá, dệt vải làm khăn đã được thành thạo. Hơn nữa, chiếc khăn piêu là món quà không thiếu để cô dâu tặng gia đình nhà chồng khi về làm dâu. Tùy theo yêu cầu và mong muốn của các anh chị bên nhà chồng thì số lượn Piêu sẽ nhiều hoặc ít tính theo đầu người. Đến với Điện Biên phong tục này vẫn luôn được gìn giữ khi con gái về nhà chồng sẽ tặng các chị, em bên mẹ chồng mỗi người một chiếc khăn kèm theo một số tđồ dùng hoặc trang phục như chậu, nồi, váy thái hoặc là khăn mặt…..Nhưng khác với người Thái ở Sơn La là số lượng Piêu của người con gái Sơn La khi về nhà chồng có thể nhiều hơn và có khi gấp đôi, gấp ba. Qua chiếc khăn Piêu có thể biết được chủ nhân của nó là người dịu dàng, chịu khó, khéo tay hay là người không chịu khó, vụng về. Khăn Piêu là một vật không thể thiếu đối với đời sống văn hóa tinh thần của dân tộc Thái, là vật kỉ niệm những ngày trọng đại trong suốt cuộc đời mỗi người, trong cộng đồng dân tộc Thái.

Khăn Piêu được dùng để đội đầu che nắng, che gió, làm ấm đầu, làm khăn quàng cho ấm người. Khăn Piêu được coi là một vật trang sức quan trọng của các cô gái Thái trong sinh hoạt hằng ngày, nhất là trong lúc đi chơi hay dự lễ hội, đặc biệt khăn piêu còn dùng trong các điệu múa xòe. Ngoài ra khăn piêu không những ch là vật kỉ niệm trong ngày thành hôn trọng đại mà cũng là vật vô cùng quan trọng để bảo vệ mỗi một người phụ nữ khi có tang ma.

Đi quan bao năn tháng nhưng chiếc khăn Piêu vẫn gắn liền với người phụ nữ Thái đen. Khăn Piêu là một tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời thể hiện bởi bàn tay khéo léo của người con gái Thái đen. Khăn Piêu trở thành một sản phẩm văn hoá và tinh thần in đậm bản sắc của dân tộc Thái.

Dân tộc Thái đen đem đến rất nhiều màu sắc phong phú và độc đáo về bản sắc văn hóa dân tộc, tinh thần và đời sống sinh hoạt, mời các bạn đến quê hương tôi, nơi tình người ấm áp, trù phú màu sắc dân tộc Thái đen.

Tác giả: Lò Thị Thảnh

K58 ĐHGD Mầm non A – Trường Đại học Tây Bắc

 

 

 

 

 

 

 

 

Categories Bình đẳng giới/Góc chia sẻ/Nữ sinh dân tộc thiểu số/Phóng viên nhỏ/Tin tức - Sự kiện

Tác giả: Dự án Nữ sinh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *