Giới thiệu về dự án “Hành trình hỗ trợ nữ sinh người dân tộc thiểu số Trường Đại học Tây Bắc”

 351 lượt xem

Dự án “Hành trình hỗ trợ Nữ sinh Người dân tộc Thiểu số” do nhóm Giảng viên Trường Đại học Tây Bắc – là cựu sinh viên Australia đề xuất và đã được Đại Sứ Quán Australia phê duyệt để tài trợ thực hiện tại Trường Đại học Tây Bắc.

Dự án này thuộc nhómDự án ứng dụng/kế hoạch hành động”. Nhóm loại hình này đề cập đến dự án ứng dụng/kế hoạch hành động của cá nhân hoặc nhóm, hoặc mở rộng/nhân rộng quy mô các dự án/kế hoạch đã hoặc đang được áp dụng như là kết quả tham gia vào các hoạt động phát triển nguồn nhân lực của Chương trình Aus4Skills. Loại hình này cũng bao gồm dự án ứng dụng kiến thức từ việc tham gia hoạt động phát triển nguồn nhân lực của Chương trình.

I. THÀNH VIÊN NHÓM THỰC HIỆN

  • Vũ Thị Đức – Trưởng nhóm
  • Lê Vân Anh – Thành viên
  • Lèo Thị Thơ – Thành viên
  • Nguyễn Văn Bao – Thành viêN

II. KINH PHÍ DỰ ÁN:

– Tổng số tiền được tài trợ: 331.485.000

– Nguồn kinh phí: Quỹ Hỗ trợ Cựu sinh viên Australia, là hoạt động nằm trong Chiến lược Cựu sinh viên Australia tại Việt Nam, được quản lý bởi Chương trình Úc cùng Việt Nam Phát triển Nguồn nhân lực (Aus4skills).

III. THỜI GIAN, ĐỊA ĐIỂM THỰC HIỆN DỰ ÁN

– Thời gian: từ tháng 10/2019 – tháng 8/2020

– Địa điểm: Trường Đại học Tây Bắc, tổ 2 Phường Quyết Tâm, Thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La.

IV. MÔ TẢ NGẮN GỌN NỘI DUNG DỰ ÁN

Dự án này là hành động áp dụng và mở rộng những kiến thức, kỹ năng mà chúng tôi đã được học từ chương trình Aus4 Skills để giúp các Nữ sinh người dân tộc thiểu số tự tin, phát triển năng lực của bản thân.

Trước hết, chúng tôi kêu gọi các tình nguyện viên là Giảng viên – Cán bộ trong Trường Đại học Tây Bắc cùng tham gia hành trình. Nhóm Giảng viên nguồn này sẽ được tham gia các khóa tập huấn nguồn về  kiến thức, kỹ năng về giới, bình đẳng giới và các nhóm kỹ năng phát triển bản thân, kỹ năng tham vấn cơ bản, kỹ năng lãnh đạo đội nhóm, kỹ  năng giao tiếp, thuyết trình để họ có thể hỗ trợ Nữ sinh trong hành trình và hỗ trợ sinh viên trong một thời gian dài và bền vững kể cả khi kết thúc dự án.

Tiếp đó chúng tôi lựa chọn nhóm 100 Nữ sinh người Dân tộc Thiểu số làm nòng cốt (là cán bộ lớp, cán bộ đoàn, lãnh đạo các đội nhóm, Nữ sinh tiêu biểu trong các hoạt động…) tại các lớp học để tập trung nâng cao năng lực cho các em, tạo ra các hạt giống nòng cốt ban đầu để tổ chức các hoạt động hỗ trợ Nữ sinh trong toàn trường. Xây dựng môi trường sinh hoạt riêng “Văn phòng Nữ sinh” với sức chứa khoảng 100 người để tạo không gian đọc sách, chia sẻ thông tin, tổ chức các sự kiện cho Nữ sinh, là nơi giao lưu, chia sẻ các kinh nghiệm từ các Giảng viên trong các khóa học tại Australia.

V. MỤC TIÊU DỰ ÁN

+ Mục tiêu chung: nâng cao kiến thức và kỹ năng cho Nữ sinh người Dân tộc Thiểu số tại Trường Đại học Tây Bắc, giúp các em tự tin đổi mới bản thân để xuất sắc vượt trội.

+ Mục tiêu cụ thể:

(1) Đào tạo 20 Giảng viên – Cán bộ của trường thành Giảng viên nguồn để tổ chức các  hoạt động hỗ trợ Nữ sinh người dân tộc thiểu số;

(2) Thành lập câu lạc bộ Nữ sinh và tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng cho 100 Nữ sinh  người dân tộc thiểu số, giúp họ tự tin đổi mới bản thân để xuất sắc vượt trội và trở thành nhóm nòng cốt giúp đỡ, hỗ trợ các Nữ sinh khác trong toàn trường;

(3) Xây dựng văn phòng của Nữ sinh Trường Đại học Tây Bắc với sức chứa khoảng 100 người và tổ chức các hoạt động tham vấn, các sự kiện hỗ trợ nâng cao năng lực cho Nữ sinh người dân tộc thiểu số;

(4) Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông nâng cao vị thế, hình ảnh của Nữ sinh người dân tộc thiểu số thông qua xây dựng trang website và đưa tin trên báo đài truyền hình, giới thiệu nhân rộng đến các trường THPT và chuyên nghiệp trong tỉnh Sơn La.

VI. KẾT QUẢ ĐẦU RA CỦA DỰ ÁN

– 20 Giảng viên nguồn được tham gia 5 khóa tập huấn về kiến thức, kỹ năng hỗ trợ Nữ sinh người dân tộc thiểu số;

– Thành lập được 01 câu lạc bộ Nữ sinh có ít nhất 100 Nữ sinh tham gia;

– 100 Nữ sinh người dân tộc thiểu số được tham dự 5 khóa học về nhóm kỹ năng phát triển bản thân, nhóm kỹ năng giao tiếp; nhóm kiến thức, kỹ năng về giới, phòng chống bạo lực giới, phòng chống lạm dụng và xâm hại tình dục; kỹ năng quản lý, lãnh đạo;

– Xây dựng được 01 phòng sinh hoạt dành riêng cho Nữ sinh: sức chứa 100 người, với trên 300 đầu sách về kỹ năng cho Phụ nữ,  có góc sáng tạo (vẽ tranh, viết thông điệp, hòm thư chia sẻ…), có góc nghỉ ngơi để nghỉ giữ giờ, nghỉ trưa;

– Có ít nhất 20 sinh viên đến mô hình mỗi ngày và khoảng 3600 lượt người trong 6 tháng chức mô hình;

– Có ít nhất 100 bài dự thi cuộc thi “Tự hào Nữ sinh người dân tộc thiểu số” và 10 tác phẩm hay nhất được tài tợ làm video truyền thông.

– Tổ chức 01 cuộc thi viết chủ đề “Tự hào Nữ sinh người dân tộc thiểu số” với ít nhất 100 tác phẩm dự thi của Nữ sinh toàn trường và 10 ý tưởng xuất sắc được dựng thành video truyền thông;

– 01 Diễn đàn/đối thoại chủ đề “Nâng cao vị thế, hình ảnh của Nữ sinh dân tộc thiểu số”: 150 người tham gia;

– 01 Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm của các cựu học viên Aus4skills về các chủ đề: lãnh đạo nữ, nghiên cứu khoa học, cơ hội việc làm cho Nữ sinh dân tộc thiểu số:150 người tham gia;

– 100 Nữ sinh trong nhóm nòng cốt tổ chức được ít nhất 01 sự kiện/tháng giúp nâng cao kỹ năng cho các Nữ sinh khác trong trường;

– Xây dựng được 01 trang website của dự án với khoảng 100 bài được đăng và chia sẻ trên face book, khoảng 10.000 lượt người xem và like, comment;

– Có ít nhất 03 tin tức trên truyền hình tỉnh Sơn La; 01 bài trên báo về hoạt động của dự án;

– Có ít nhất 02 bài báo khoa học đăng trên tạp chí Quốc gia có chỉ số ISN về kết quả thực hiện dự án;

– Giới thiệu nhân rộng dự án đến ít nhất 02 trường cao đẳng, 50 trường phổ thông thông qua phối hợp với kế hoạch quảng bá tuyển sinh đại học năm 2020 của trường.

Categories Góc chia sẻ/Nữ sinh dân tộc thiểu số/Tin tức - Sự kiện

Tác giả: Vũ Đức

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *