Bài dự thi: Tự hào bộ trang phục Hà Nhì

 5,123 lượt xem

Tôi Chang Cà Sứ là nữ sinh lớp K58 ĐHGD Mầm Non B, Khoa tiểu học Mầm non, Trường Đại học Tây Bắc. Quê quán tại Sen Thượng – Mường Nhé – Điện Biên (Điểm cực tây của Tổ Quốc) Tôi luôn tự hào và cảm thấy may mắn khi được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Anh hùng: “Lừng lẫy năm châu –Chấn động địa cầu” nơi đánh dấu mộc lịch sử quan trọng của dân tộc Việt Nam. Tôi là dân tộc Hà Nhì xếp thứ 33/54 dân tộc Việt Nam.

Tôi tự hào khoác trên mình bộ trang phục dân tộc Hà Nhì đến trường

Tôi là một cô gái Hà Nhì sinh ra và lớn lên tại làng quê nghèo vùng sâu, vùng xa nơi có những người thầy, người cô hy sinh thầm lặng tuổi thanh xuân của mình vì những người con tại nơi biên cương của Tổ Quốc. Tôi vô cùng biết ơn những người thầy, người cô đã mang cái chữ đến nơi chỉ có bếp lửa và ánh trăng làm bạn mỗi tối của những cô cậu học trò nghèo, cũng chính vì có những người hy sinh thầm lặng ấy nên mới có cô gái Hà Nhì như tôi ngày hôm nay. Khi còn là cô bé đang ngồi học tại mái trường tiểu học tôi đã có một mơ ước là được trở thành cô giáo khi ấy nhà tôi còn nghèo hơn bây giờ rất nhiều vì bố mẹ tôi làm nghề nông không biết chữ nên tôi phải nhờ mẹ tôi đưa tôi sang nhà bạn học cùng (để bố mẹ các bạn dạy kèm tôi học) chính những khó khăn ấy càng khiến tôi có động lực để cố gắng hơn để thực hiện ước mơ của mình. Tôi luôn tự hào và hãnh diện khi là nữ sinh dân tộc thiểu số và càng tự hào hơn khi là cô gái Hà Nhì sinh sống tại núi rừng Tây Bắc tôi vừa cố gắng học tập, vừa xây dựng ước mơ của mình để làm đẹp quê hương đất nước và giúp ích một phần sức trẻ cho dân tộc, bản làng nơi chính tôi đang sinh sống.

Tôi là sinh viên Hà Nhì duy nhất của Khoa Tiểu học – Mầm non tại Trường Đại học Tây Bắc trong các bạn dân tộc Mông, Thái, Mường … được biết đến rộng rãi thì Tôi thấy dân tộc Hà Nhì ít người biết đến, khi bước vào trường buổi đầu tiên nhập lớp làm quen với các bạn, Tôi giới thiệu, Tôi dân tộc Hà Nhì thì một số bạn có vẻ ngỡ ngàng và nói chưa nghe bao giờ. Lúc đó  Tôi cảm thấy hơi buồn một chút, nhưng Tôi không cảm thấy suy sụp tinh thần vì điều đó mà Tôi tự nhận thức được rằng bản thân phải thực sự cố gắng rất nhiều thì mới có thể theo kịp các bạn. Tôi luôn nhận được sự giúp đỡ từ các bạn, cùng các thầy, các cô trong khoa, trong trường, và Tôi cảm thấy biết ơn vừa bước vào trường Đại học Tây Băc chưa hết một học kì thì Tôi đã được tham gia “Câu lạc bộ Thanh niên sống đẹp” và càng may mắn hơn khi tham gia khóa tập huấn: “Nữ sinh dân tộc thiểu số” do cô Vũ Đức chủ nhiệm. Tôi thấy bản thân tự tin và tự hào khi mình là nữ sinh dân tộc thiểu số và điều đáng tự hào hơn là khi Tôi là cô gái Hà Nhì, tự tin khoác trên mình bộ trang phục Hà Nhì mang màu sắc phong phú và đa dạng.

Đây cũng là lí do Tôi tham gia cuộc thi để bản thân được trải nghiệm, một phần là để các bạn trong trường cùng các thầy cô và mọi người hiểu hơn về dân tộc Hà Nhì đặc biệt là trang phục của dân tộc Hà Nhì quê Tôi.

Người Hà Nhì chúng Tôi là một trong những dân tộc có truyền thống khai khẩn ruộng bậc thang và đào mương đắp đập lấy nước. Trong sản xuất nông nghiệp, người Hà Nhì chủ yếu là trồng lúa, làm ruộng, nhưng cũng có nhà làm nương rẫy. Đồng bào dân tộc Tôi thường dùng trâu bò cày kéo và làm vườn cạnh nhà. Người Hà Nhì rất chịu khó, giỏi trồng trọt, chăn nuôi. Dân tộc Hà Nhì có nền văn hóa lâu đời, đậm đà bản sắc dân tộc,  như các lễ hội: Múa xòe; Tết cổ truyền dân tộc Hà Nhì (hồ sự chà-thường diễn ra vào tháng 12 hằng năm) mang ý nghĩa cầu xin các vị thần phù hộ cho mùa màng tốt tươi, người yên, vật thịnh, lễ cúng thần rừng “Gạ ma thú” (được công nhận là di sản văn hóa ) lễ hội này mang ý nghĩa cầu vạn vật sinh sôi nảy nở và lễ hội thể hiện tính phồn thực trong văn hóa…. Nhắc đến dân tộc Hà Nhì ấn tượng đầu tiên để lại cho bao người đó chính là trang phục truyền thống Hà Nhì đẹp mắt, khác với những dân tộc khác. Đây cũng là đặc điểm nổi bật dễ nhận biết dân tộc Hà Nhì so với những dân tộc khác.

Bộ trang phục Hà Nhì

Trang phục người con gái Hà Nhì đó là những họa tiết hoa văn đượm màu sắc trên những bộ trang phục hay trên những tấm thổ cẩm độc đáo được người Hà Nhì gìn giữ, lưu truyền qua bao thế hệ và hiện nay dù đời sống có nhiều thay đổi nhưng bộ trang phục với gam màu bắt mắt , màu sắc tươi sáng vẫn được thêu bằng chính đôi tay của những người mẹ, người chị nơi biên cương của Tổ Quốc. Để có thể làm ra một bộ trang phục phụ nữ Hà Nhì phải thêu khoảng từ 5-6 tháng mới xong. Bắt đầu từ việc chọn nguyên liệu, mô típ văn hóa trên áo, những mảnh kim loại với hình tam giác, hình tròn …để đính trên áo của người phụ nữ, làm tôn lên vẻ đẹp duyên dáng mềm mại cho bộ trang phục truyền thống. Áo được chia làm 2 loại là áo dài (mặc ở trong) và áo ngắn (mặc ở ngoài) áo dài toàn thân là màu đen, phần ống tay được các bà, các mẹ và các chị lựa chọn khéo léo những mảnh vải nhiều màu sắc độc đáo để tạo nên nết độc đáo của tay áo bởi những họa tiết đan xen lẫn nhau. Áo ngắn không có ống tay nhưng phía trước ngực lại được trang trí rất là tỉ mỉ từ phần cổ áo theo viền nẹp xuống gấu áo. Dưới cùng của áo ngắn là các đồng xu, lục lạc hoặc dây xúc xích bạc, khi di chuyển những vật này sẽ phát ra tiếng kêu vô cùng vui tai đồng thời cũng thể hiện sự phú quý, sung túc của người đang mặc áo.

Phần áo có gắn các đồng xu, lục lạc

Một phần không thể thiếu để làm nên bộ trang phục dân tộc Hà Nhì hoàn chỉnh đó chính là mũ đội đầu. Để làm được cái mũ đội đầu cần chọn một miếng vải hình vuông, một mặt màu đen, một mặt có ba miếng vải 4cm màu xanh, đỏ, vàng kế tiếp nhau, viền quanh miếng vải màu đen. Bốn góc khăn đính 4 tua, mỗi tua khăn là một dây hạt cườm dài 17-20cm chia làm hai đoạn. Đoạn nối từ các góc khăn đến chỗ chia chùm được xâu những hạt cườm loại to, kết thúc dây là một chùm quả bông len. Khi đội gấp khăn theo đường chéo để hai tua cườm vắt sang hai bên và buông dài xuống thái dương. Sau đó, khăn đội đầu sẽ được cố định bằng đai là một miếng vải rộng 2-3cm có từ 3-4 dây hạt cườm xếp sát nhau.

Ngày nay dù cuộc sống hiện đại đang làm thay đổi nhiều giá trị nhưng người Hà Nhì luôn giữ được bản sắc dân tộc và xem bộ trang phục dân tộc là hơi thở, là cuộc sống, là máu thịt của mình với suy nghĩ ấy, ngày nay ở trên ghế nhà trường dù là học sinh cấp nào thì các bạn nhỏ đều được bố mẹ may cho một bộ trang phục để mặc đến trường và tự hào về bộ trang phục truyền thống của quê hương mình. Là nữ sinh dân tộc Hà Nhì được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất quê hương Sen Thượng yêu dấu, Tôi rất tự hào về bộ trang phục của dân tộc mình. Mỗi khi sinh hoạt ở trường hay là các ngày lễ hội Tôi thường mặc bộ trang phục dân tộc và Tôi rất tự hào mỗi khi khoác trên mình bộ trang phục độc đáo, duyên dáng với tà áo dài thướt tha mềm mại ấy.

Phụ nữ Hà Nhì cùng cán bộ chiến sỹ đồn Biên phòng Sen Thượng gói bánh chưng “vui xuân biên phòng ấm lòng dân bản”- nguồn ảnh: Lò Khai Nu – Bí thư Đoàn xã Sen Thượng.

Trong thời kì hội nhập với sự phát triển của xã hội, nhịp sống có rất nhiều sự thay đổi đối với các bạn trẻ Hà Nhì nói riêng và mỗi bạn trẻ trên mọi miền đất nước nói chung. Tôi mong rằng với sức trẻ và lòng nhiệt huyết của mỗi bạn trẻ chúng ta sẽ luôn bảo vệ, giữ gìn nét văn hóa tinh túy mà tổ tiên, ông cha đã để lại cho chúng ta. Tôi luôn tự hào và hãnh diện khi tôi là nữ sinh dân tộc thiểu số và tôi càng tự hào hơn khi khoác trên mình bộ trang phục dân tộc Hà Nhì của mình đến trường cùng các bạn. Tôi xin trân thành cảm ơn Trường Đại học Tây Bắc đã giúp tôi có thể thực hiện ước mơ của mình, giúp tôi tự tin và trưởng thành hơn, một phần thanh xuân của tôi là Trường Đại học Tây Bắc.

Tác giả: Chang Cà Sứ

 

 

 

 

 

 

 

 

Categories Bình đẳng giới/Góc chia sẻ/Nữ sinh dân tộc thiểu số/Tin tức - Sự kiện

Tác giả: Dự án Nữ sinh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *