BÀI DỰ THI: “Linh hồn người phụ nữ dân tộc Mường”

 11,075 lượt xem

Việt Nam có 54 dân tộc anh em, mỗi dân tộc đều có trang phục truyền thống riêng, trong đó có những dân tộc có trang phục rất đẹp và độc đáo. Mỗi bộ trang phục đều mang những nét đẹp và ý nghĩa khác nhau, in dấu truyền thống văn hóa và phong tục của dân tộc đó, nó là hơi thở, là linh hồn của một dân tộc. Sau đây tôi xin giới thiệu tới mọi người trang phục truyền thống của người phụ nữ dân tộc Mường.

Cùng với nét văn hóa “Cơm đồ, nhà gác, nước vác, lợn thui, ngày lui, tháng tới” được thể hiện rõ nét qua câu tục ngữ trong văn học dân gian Mường, trang phục truyền thống của phụ nữ Mường có giá trị phong phú, đặc sắc, tinh tế.

Trang phục truyền thống của người phụ nữ Mường 

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Từ Chi đã từng viết: “Họ không khắc lên gỗ, lên đá, lên đồ gốm, lên kim loại, không tạc tượng gỗ, tượng đá, không nặn tượng đất, không đúc tượng đồng mà họ dệt cái quan niệm thẩm mỹ của mình lên cạp váy phụ nữ! Cạp váy ở đây, là như tượng, như tranh!”. Quả thật cái hay, cái đẹp, tinh túy và thâm sâu nhất đã được khắc họa trên bộ trang phục truyền thống của phụ nữ Mường.

Ai đã lên vùng đất Hòa Bình cũng không khỏi say đắm trước dáng hình người phụ nữ Mường trong trang phục truyền thống với áo pắn có cánh thân ngắn đến chấm eo lưng, xẻ ngực, ống tay dài hình ảnh này người phụ nữ Mường được ví như loài hoa xinh đẹp giữa núi rừng.

Ngay từ nhỏ, người con gái dân tộc Mường đã được các bà các mẹ dạy cách thêu thùa, dệt vải… Để có bộ trang phục tinh tế ấy, người phụ nữ Mường đã phải khéo léo kết hợp từng mũi kim sợi chỉ khẩu dệt nên các chi tiết trên bộ trang phục, màu sắc, kiểu dáng hoa văn và đồ trang sức kết hợp cũng hết sức đa dạng, tạo nên những nét văn hóa riêng biệt của dân tộc Mường. Sắc màu của cuộc sống, không gian của núi rừng được đôi bàn tay khéo léo của những người phụ nữ Mường khắc họa trên từng đường nét hoa văn thổ cẩm. Có lẽ mùa xuân là thời gian đẹp nhất để thổ cẩm khoe sắc. Từ bàn tay khéo léo, với tình yêu và tâm huyết bảo tồn nét đẹp văn hóa dân tộc, những nghệ nhân, những người phụ nữ ngày đêm miệt mài bên khung cửi để làm ra sản phẩm thủ công mang đậm bản sắc, lấp lánh tình yêu quê hương, đất nước. Họ đã dệt nên mùa xuân, dệt thành mơ ước lưu giữ và truyền dạy nghề truyền thống cho thế hệ trẻ hôm nay.

Thiếu nữ Mường duyên dáng trong trang phục dân tộc

Hiện nay, bộ trang phục truyền thống thường được mặc vào các dịp lễ, Tết, còn ngày thường thì chỉ có các bà, các mẹ hay mặc. Đáp ứng nhu cầu của người mặc, ngày nay, trang phục truyền thống của phụ nữ Mường được thiết kế hiện đại với nhiều màu sắc bắt mắt. Nhưng trang phục truyền thống chủ yếu có hai màu sắc chính là nâu và trắng. Áo pắn (áo ngắn) có cánh thân ngắn đến chấm eo lưng, xẻ ngực, ống tay dài. Bên trong là loại áo báng (yếm) cùng với đầu váy nổi lên giữa hai vạt áo ngắn. Điểm nhấn của bộ trang phục nằm ở đầu váy và cạp váy. Khi mặc, mảng hoa văn nổi lên giữa trung tâm cơ thể. Đặc biệt, phần cạp váy thể hiện sự tinh tế, khéo léo, sâu sắc của người dệt. Phần này thường do ba bộ phận dệt riêng rồi can lại với nhau. Đi đôi với váy là bộ tênh, thường bằng vải đũi, màu xanh hoặc màu vàng, dài hơn sải tay, khâu nối hai đầu, thắt đúng giữa eo trên nền cao váy, làm nổi eo người mặc. Bộ sà tích bằng bạc được móc vào tênh từ bên hông đeo vòng về phía trước. Màu sắc bộ trang phục phụ nữ Mường không rực rỡ nhưng trang nhã, sâu sắc, thể hiện tính cách của người phụ nữ Mường – chân thành, trầm lắng và hết sức tinh tế. Qua bộ trang phục truyền thống xưa kia cũng thể hiện rõ được gia thế, độ tuổi, tầng lớp phụ nữ và các vùng Mường.

 Đặc biệt, trong bộ trang phục của phụ nữ Mường, chiếc khăn đội đầu có ý nghĩa quan trọng. Khăn có màu trắng. Người Mường quan niệm màu trắng như một sự tinh khiết, thanh cao, là bầu trời, một cõi cực lạc và thoát tục nên phụ nữ Mường đội đầu bằng chiếc khăn màu trắng để thể hiện lòng kính trọng và tôn vinh. Bên cạnh ý nghĩa về màu sắc, nét tinh tế, độc đáo, mang đậm tính triết học về nhân sinh quan của văn hóa Mường còn được thể hiện rất rõ trong cách đội khăn. Chiếc nút thắt của khăn nằm ở vị trí phía trên búi tóc thể hiện cho sự yên bình. Ngoài ra, bộ trang phục còn có áo chùng (chỉ mặc trong ngày lễ hội), khăn thắt áo, cạp cấu váy, vòng bạc, vòng cườm đeo cổ, đeo tay…

Những phụ nữ Mường khi diện trang phục truyền thống gắn kết với phong thái nhẹ nhàng, duyên dáng cảm thấy tự tin, mềm mại và uyển chuyển hơn. Mỗi chi tiết trên trang phục không chỉ thể hiện giá trị văn hóa mà còn cho thấy sự khéo léo của những cô gái. Những cô gái Mường khoác trên mình bộ trang phục rực rỡ, tựa như những bông hoa đủ màu sắc rực rỡ giữa đại ngàn Tây Bắc. Và có lẽ chính những điều này đã khiến người phụ nữ Mường Hòa Bình luôn cảm thấy tự hào khi khoác lên mình bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình.

Tôi tự hào khi mặc trang phục của Phụ nữ dân tộc Mường

Tuy nhiên một thực trạng chung hiện nay là, số người dân tộc thiểu số sử dụng trang phục truyền thống của dân tộc mình trong sinh hoạt hàng ngày rất ít ,người dân tộc Mường cũng không ngoại lệ. Phần lớn trang phục truyền thống của nhiều dân tộc thiểu số chỉ còn được lưu giữ trong các bảo tàng hoặc trung tâm văn hóa. Trong nhà trường vùng dân tộc thiểu số cũng vậy, đa số học sinh mặc trang phục của người Kinh, trang phục hiện đại khi đến trường. Thực tế này cho thấy, trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số đang dần bị mai một, thậm chí biến mất trong cộng đồng các dân tộc thiểu số ở Việt Nam.

Nguyên do chung nằm ở: Trang phục truyền thống của một số dân tộc thiểu số không hợp với thị hiếu của thế hệ trẻ. Nhiều thanh niên dân tộc thiểu số còn ngại ngần khi mặc trang phục truyền thống trước đám đông. Trang phục truyền thống của một số dân tộc thiểu số không tiện dụng, còn cầu kì, rườm rà, gây khó khăn, vướng víu trong công việc và sinh hoạt hàng ngày. Cơ hội để người dân tộc thiểu số sử dụng bộ trang phục truyền thống ngày một thu hẹp. Hiện nay, hầu hết trang phục của các dân tộc thiểu số chỉ được mặc vào các dịp trọng đại như ngày tết, lễ hội hoặc các ngày kỉ niệm lớn của đất nước.

Để bảo tồn trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số, giáo dục là một trong các biện pháp có tính bền vững nhất. Việc giáo dục ý thức bảo tồn về trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số cho học sinh trong các trường học vùng dân tộc thiểu số nhằm giúp các em thấy được trang phục truyền thống của mỗi dân tộc không phải ngẫu nhiên xuất hiện và tồn tại. Sự xuất hiện và tồn tại của nó phải được tạo ra trong quá trình hình thành, tồn tại và phát triển của dân tộc. Qua giáo dục, học sinh có nhận thức cụ thể, sâu sắc về ý nghĩa trang phục truyền thống của dân tộc mình và các dân tộc anh em trong đời sống, cũng như sinh hoạt văn hóa, xã hội. Từ đó, các em có niềm tự hào khi mang trên mình trang phục truyền thống.

Để giáo dục học sinh có ý thức bảo tồn về trang phục truyền thống, các nhà trường vùng dân tộc thiểu số, miền núi có thể tổ chức thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như: Giáo dục, tuyên truyền cho học sinh hiểu ý nghĩa và vai trò của trang phục truyền thống và niềm tự hào khi mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình. Việc giáo dục được thực hiện thông qua tích hợp, lồng ghép vào các môn học và các hoạt động giáo dục. Tổ chức cho học sinh mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình vào một số ngày trong tuần và các ngày lễ lớn do nhà trường tổ chức. Tổ chức sưu tầm, trưng bày, giới thiệu trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số trong phòng truyền thống của nhà trường để học sinh hiểu rõ hơn về trang phục truyền thống của dân tộc mình. Tổ chức tọa đàm, hội thi trang phục truyền thống và thuyết minh về trang phục truyền thống nhân dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn như ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 và ngày thành lập Đoàn 26/3…Tổ chức cho học sinh tham quan, tìm hiểu trang phục truyền thống của dân tộc thiểu số tại địa phương và yêu cầu viết thư sau chuyến đi.

Tôi là một người con gái của dân tộc Mường. Và tôi tự hào lắm trang phục truyền thống dân tộc tôi. Mỗi khi mặc bộ trang phục ấy tôi như được khoác lên linh hồn dân tộc mình vậy. Ở đây không đơn giản là vạt vải thêu nên, mà đó là cả tâm tư tình cảm của các mú các mệ dệt thành. Tôi hi vọng các thế hệ sau này sẽ luôn tự hào và gìn giữ nét đẹp truyền thống này. Bởi lẽ muốn đi nhanh, một người cũng như một quốc  gia nhiều khi phải chọn hi sinh nhiều giá trị. Công trình kiên cố là một giá trị …Gìn giữ nét đẹp trang phục truyền thống của dân tộc mình cũng là một giá trị. Những giá trị  vật chất có thể được xây dựng, khôi phục khi đã giàu có, nhưng những giá trị văn hóa, tinh thần thì thường không dễ trùng tu.

Tác giả: Trương Huyền Trang

K60 ĐHSP Tiếng Anh

 

 

 

 

 

 

 

Categories Nữ sinh dân tộc thiểu số/Tin tức - Sự kiện

Tác giả: Dự án Nữ sinh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *