BÀI DỰ THI: Đang Mường – Làn điệu yêu thương

 2,167 lượt xem

Sinh ra và lớn lên ở một xã vùng núi của huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La, quê hương nơi tôi sống có dân cư hầu hết là người dân tộc Mường, vì vậy những lời Đang Mường đã trở thành một phần trong tâm hồn tôi, cùng tôi lớn lên và đồng hành suốt những chặng dường dài chưa có đích đến của cuộc đời mình.

Đang là một loại hình dân ca của dân tộc Mường. Vì dân tộc Mường chưa có chữ viết nên không ai dám chắc những bài Đang được hình thành từ bao giờ, chỉ biết rằng những nét đẹp văn hóa, phong tục tập quán, những bài học, kinh nghiệm sống, những giá trị tinh hoa nhất được đúc kết qua các thế hệ cha ông đi trước đều được lưu giữ và truyền lại cho thế hệ sau bằng hình thức truyền khẩu, mà hát Đang – với với làn điệu nhẹ nhàng, tâm tình lại da diết, sâu lắng, dễ nghe, dễ nhớ và dễ đi vào lòng người – đã trở thành kho lưu trữ những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc Mường một cách phổ biến và lâu bền nhất.

Để là nơi hội tụ những nét tinh hoa văn hóa, phong tục tập quán của dân tộc Mường, hát Đang đã len lỏi qua từng nếp nghĩ, nếp sống của những người dân sống lam lũ nhưng tràn đầy lạc quan trên miền rẻo cảo ấy. Góp mặt từ những sự kiện có ý nghĩa lớn của bản làng, đến những sinh hoạt thường nhật giản dị đơn sơ nhất, từ những vất vả cơ cực trên nương rẫy đến những tâm tư, khắc khoải của tình yêu lứa đôi, cứ thế, không biết bao nhiêu bài Đang đã đươc sinh ra và lưu giữ qua các thế hệ cho tới bây giờ. Với mỗi hoàn cảnh sáng tác khác nhau, cũng như dựa vào mục đích sáng tác mà những bài Đang sẽ có nội dung khác nhau trải rộng ra các chủ đề khác nhau trong cuộc sống, và dựa vào chủ đề mà bài Đang đề cập tới người ta sẽ xếp bài Đang ấy vào một thể loại phù hợp. Cho đến nay, Đang Mường được chia thành bốn thể loại chính: Đang Nếp, Đang Tồn, Đang Cách mạng và Đang đối đáp giao duyên.

Nhắc đến Đang Mường thì không thể không kể đến những bài Đang Nếp, vì đây chính là những bài Đang truyền thống được sáng tác từ xa xưa với nội dung là các câu chuyện dân gian, các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, dòng họ, những sự tích, truyền thuyết và những bản trường ca hào hùng, bi tráng gầy dựng nên bề dày văn hóa của một dân tộc ít người, thường được lựa chọn trình diễn trong các dịp lễ quan trọng, các hội thi, nhưng trên hết các bài Đang Nếp là những lời ca mang tính giáo dục về lịch sử, văn hóa, truyền thống được những người lớn tuổi nơi bản Mường hát cho con cháu nghe bên bếp lửa dưới thang gác nhà sàn, từ năm này sang năm khác, từ đời này sang đời khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác, để dẫu cho theo dòng chảy thời gian, cuộc sống có biết bao biến chuyển, đổi dời thì những lời Đang ấy vẫn sẽ cắm rễ sâu vào tâm khảm mỗi người con đất Mường, rồi mai đây dù có bước đi trên nẻo đường xa xôi tới đâu cũng chẳng thể nguôi nhớ cội nguồn.

Già làng truyền lại Đang Mường cho con cháu bên bếp lửa nhà sàn

Nếu như Đang Nếp mang đến cho người nghe những âm hưởng vừa trang trọng vừa bi tráng thì Đang Tồn lại là những lời ca không thể bình dị, mộc mạc hơn. Những bài Đang thuộc thể loại này là những lời hát thăm hỏi xã giao, hát để từ chối khéo một điều gì đó hay là để ôn nghèo kể khổ. Chính vì vậy, những bài Đang Tồn sẽ xuất hiện thường xuyên ngay trong đời sống hàng ngày của đồng bào dân tộc Mường. Người ta có thể hát Đang Tồn để chào hỏi nhau sau lâu ngày xa cách, hát trong những phút nghỉ ngơi ngắn ngủi trên nương rẫy cho vơi đi sự vất vả, cực nhọc, hay ngay trong khi đang cùng giúp nhau dựng nhà những bài Đang Tồn cũng được cất lên cho không khí thêm phần sôi nổi và thắt chặt tình đoàn kết làng bản, xóm giềng.

Đang Cách mạng cũng là một mảng lớn trong kho tàng Đang Mường. Cùng với lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm kiên cường, bất khuất của dân tộc, không biết bao nhiêu người con nơi bản Mường đã cùng xông pha nơi chiến trận, kề vai sát cánh cùng những người anh em nòi giống Tiên Rồng đấu tranh vì nền độc lập, tự do của dân tộc. Người ra đi thì không màng hiểm nguy, sinh tử, một lòng sả thân vì sự nghiệp chung của của cả dân tộc, người ở lại vừa tập trung lao động, sản xuất vừa cùng nhau chống giặc, làm hậu phương vững chắc cho tiền tuyến. Theo đó, những bài Đang ca ngợi Tổ quốc, ca ngợi tinh thần đấu tranh bất khuất của của dân tộc, ca ngợi tình đồng chí, đồng đội, tình quân dân,…ngày một xuất hiện nhiều hơn, được lưu giữ đến tận ngày nay như lưu giữ lại bao nhiêu nhiệt huyết, khí thế sục sôi của một thời bão đạn, mưa bom, máu, lửa và cả nước mắt nhưng chưa bao giờ chịu đầu hàng, khuất phục…

Hòa bình lập lại, cùng với không khí vui tươi phấn khởi, người người, nhà nhà ra sức tăng gia sản xuất phát triển kinh tế, thì như một lẽ tự nhiên phải có từ khi con người mới xuất hiện, chuyện tình cảm lứa đôi, tình yêu trai gái lại bắt đầu được chú ý và thể hiện nhiều hơn sau bao tháng ngày chia cách hay phải tạm gác lại những nỗi niềm riêng tư vì tiếng gọi của Tổ quốc, vì chiến tranh khốc liệt. Khi đã được trở về với cuộc sống bình yên, những bài Đang đối đáp giao duyên lại quay trở về với vai trò vốn có trước đây, là phương thức làm quen chẳng những tinh tế, ý nhị mà lại còn vô cùng duyên dáng của những chàng trai, cô gái Mường. Thế rồi khi đã quen, người ta lại còn bày tỏ nỗi nhớ nhung và bao hẹn ước lứa đôi qua lời Đang da diết, tình tứ. Ấy thế mà cũng không ít những cặp nên duyên, thành vợ thành chồng từ những lời Đang đối đáp giao duyên đó. Nhắc đến tình yêu thì cũng chẳng thể chỉ nói đến hợp mà không có tan. Trước những ngã rẽ khác nhau của cuộc sống, có những đôi vẫn còn tình cảm lại chẳng thể đến được với nhau. Những con người ấy, sau này nếu có gặp lại, bài Đang mà họ đối đáp với nhau không còn sự nồng nhiệt hay da diết nhớ nhung nữa, bấy giờ trong lời ca của họ tiếc nuối có, buồn thương cũng có, nhưng cuối cùng lời kết của bài Đang vẫn luôn là sự trân trọng những tình cảm đã có và mong ước cho người kia có cuộc sống tốt đẹp về sau. Là Đang đối đáp giao duyên nhưng đôi khi lại chẳng phải chỉ có hai người ttrong một chuyện tình cảm cất lên, nếu tình yêu của một cặp đôi đi đến được cái kết hạnh phúc, trong ngày vui của họ, họ hàng hai bên cũng sẽ hát đối đáp nhau những bài Đang ca ngợi tình yêu, lời chúc phúc cho đôi vợ chồng trẻ, qua đó thể hiện sự chân trọng và quý mến của nhà trai với cô dâu mới cũng như của nhà gái với chàng rể mới. Đên bây giờ, mỗi khi được chứng kiến màn đối đáp hát Đang qua lại ở lễ cưới, lễ hỏi của người Mường tôi vẫn không khỏi thích thú và tự hào về truyền thống của dân tộc mình.

Thông thường những bài Đang có thể trong phút ngẫu hứng được người hát cất lên, nhưng trong những dịp biểu diễn quan trọng có sự chuẩn bị trước thì Đang Mường sẽ có những nhạc cụ bổ trợ để cái hồn của bài Đang được thể hiện một cách hoàn chỉnh nhất. Những nhạc cụ thường được sử dụng khi hát Đang là: đàn Nhị, khèn, sáo ôi, trống,…Chắc chắn rằng, khi có thêm những nhạc cụ bổ trợ như vậy cái hồn của Đang Mường sẽ được thổi lên một cách sâu sắc và chuyên nghiệp hơn khi đứng cùng với các làn điệu truyền thống của các dân tộc anh em khác.

Đàn Nhị – Nhạc cụ thường được dùng khi hát Đang Mường

Là một người con xứ Mường, tôi tự hào và yêu mến những bài Đang quê hương bao nhiêu  thì nỗi lo về sự mai một của những lời ca ấy lại lớn lên bấy nhiêu. Chúng ta vẫn luôn biết ơn sự phát triển của công nghệ, mạng internet đã giúp chúng ta được thừa hưởng vô số lợi ích từ nền kinh tế ngày càng phát triển mạnh mẽ. Nhưng phía sau đó có những thứ chúng ta muốn vô tình như không biết cũng không được nữa, vì biểu hiện của nó ngày càng rõ, một trong những thứ khiến chúng ta phải lo lắng ấy chính là văn hóa nước ngoài du nhập ngày càng nhiều , thì văn hóa cổ truyền mỗi lúc lại bị đẩy lại phía sau xa hơn. Bản thân tôi là một người thuộc thế hệ trẻ, tôi không phủ nhận việc mình thích và thường xuyên nghe nhạc nước ngoài cũng như tiếp nhận những vẻ đẹp của các nền văn hóa khác, tôi cho rằng điều đó hoàn toàn không phải là một việc làm xấu hay đáng chê trách, cập nhật xu hướng một cách có chọn lọc và hội nhập quốc tế vẫn luôn là điều mà giáo dục khuyến khích. Chỉ có điều, tôi cho rằng mỗi người dân của đất nước chúng ta, đặc biệt là thế hệ trẻ luôn có trách nhiệm bảo tồn và phát triển những giá trị truyền thống tốt đẹp của ông cha để lại song song với việc nắm bắt và học tập những giá trị tốt đẹp từ bạn bè quốc tế, có như vậy chúng ta mới có thể “hòa nhập mà không hòa tan”, góp phần phát triển đất nước một cách bền vững.

Tôi hi vọng bản thân có thể góp phần lưu giữ và quảng bá những giá trị truyền thống

Với tình yêu dành cho Đang Mường cùng những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, tôi luôn hi vọng những điều đã trở thành một phần trong tâm hồn của tôi ấy sẽ “sống” mãnh liệt và bền bỉ mặc cho dòng chảy của thời gian, để sau này, những em thơ mà tôi gặp hay cả những thế hệ tiếp sau nữa vẫn luôn có trong mình tình cảm và sức mạnh thiêng liêng gợi nhớ về cội nguồn mà chúng mang lại. Cũng hi vọng, tôi có thể góp một phần nhỏ bé của mình vào việc lưu giữ và quảng bá những giá trị tốt đẹp này đến bạn bè trong nước và quốc tế.

Tác giả: Đinh Thị Hồng Duy

Sinh viên Trường Đại học Tây Bắc

         

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Categories Bình đẳng giới/Góc chia sẻ/Nữ sinh dân tộc thiểu số/Phóng viên nhỏ/Tin tức - Sự kiện

Tác giả: Dự án Nữ sinh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *