BÀI DỰ THI: “Chạm”

 2,832 lượt xem

Em năm nay 21 tuổi, là dân tộc Thái Đen ở huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La.

Ở quê em  người ta hay nói, là con gái, em học thế đủ rồi. Nhưng họ không biết, em đã nỗ lực thế nào để có được ngày hôm nay, nỗ lực thế nào để được đi học.

Năm 11 tuổi, em đỗ vào Nội trú huyện, đi qua 4 năm trung học thành công và tốt đẹp.

Năm 15 tuổi, trải qua những biến cố ập đến, em vẫn cầm được trên tay giấy báo nhập học, trở thành học sinh trường Nội trú tỉnh Sơn La.

Cứ như thế, bằng 1 cách nào đó em đã thật sự được gia đình đồng ý đi học Đại học.

Những năm còn là học sinh, em đã từng nhiều lần đi xe khách đến trường, cũng nhiều lần được gia đình chăm lo đưa đón, nhưng đây lại là lần đầu tiên em cảm nhận được việc ngày mai em sẽ chỉ một mình nơi không nguời thân quen. Chỉ còn đợi xe chạy là em sẽ phải rời đi thành phố này, đi xa quê hương em với những con người sống chân thật, thương mến, mà có lẽ cả đời này em sẽ không tìm thấy ở đâu khác dáng vẻ như thế. Những con người sống chan hòa, nỗ lực vươn sinh và cùng mơ về những điều tốt đẹp.

Em nhìn vào dáng mẹ bước ra cổng bến xe, tự hỏi “có phải người phụ nữa ấy đang lo lắng cho con nhiều lắm hay không?”, khi mới cách đây mấy phút vừa hỏi con “hay là quay về?”. Có lẽ mẹ cũng như em, đang cắn răng rơi xuống những giọt nước mắt sợ hãi thay em, sợ hãi thay chặng đường dài này một mình em sẽ bước đi. Bước chân nặng trĩu đang vội vàng đi ấy, có phải đã rất muốn ngoảnh mặt lại gọi em cùng về nhà? Có phải cũng đang một chút nghĩ về những ngày sau của bố mẹ và của em? Bỗng, em thật sự muốn từ bỏ, từ bỏ những niềm tin vô hình em đã tạo dựng về một tương lai em đang phấn đấu. Nhưng khoảnh khắc ấy, vẫn thấy len lỏi trong em những hy vọng về ngày mai, một hành trình đưa em đến trang mới của cuộc đời.

Đêm, 19h mẹ gọi, mẹ bình an đến nhà rồi. Em nhìn ra ngoài của sổ, xe bắt đầu lăn bánh. Bỗng nhiên trong lòng em hoảng hốt, em nói “mẹ ơi! hay con quay về nhé”. Đáp lại câu nói ấy là sự im lặng của mọi người ở đầu dây bên kia, trong giây phút tắt điện thoại, em nghe thấy giọng nói của bố vang lên “cố lên con gái”.

Đúng vậy, em phải cố lên. Em đã từng cố gắng bao nhiêu mới có thể thuyết phục được ông bà, bố mẹ để em có thể đi học cơ chứ? Em đã từng cố gắng bao nhiêu cùng các bạn ôn thi để có được kết quả tốt nhất, đậu vào ngôi trường mà em đã đắn đo bao nhiêu để lựa chọn chứ? Em phải cố lên thôi… Em không thể chùn bước, vì nếu ngã xuống, em sẽ không có người chống lưng.  

Đêm ấy,lần đầu tiên em biết thế nào là bất an, thao thức một mình. Em 17 tuổi, mang theo những khát vọng đơn thuần của tuổi trẻ tiến về phía trước. Em cũng chỉ có một đời để sống thôi, em không muốn bỏ lỡ để sau này phải tiếc nuối.

Sáng sớm, em đến Hà Nội, em đã  thật sự đặt chân lên Thủ đô rồi. Có sợ hãi, nhiều bỡ ngỡ và cũng có nhiều lo lắng. Sau gần 3 tiếng đứng đợi, em mới dám bước vào cổng trường làm thủ tục nhâp học, 14h hơn nhận phòng kí túc, rồi làm quen với bạn cùng phòng.

Giờ nghĩ lại, 3-4 câu cũng có thể kể hết được quá trình nhập học của em một cách đơn giản như thế. Nhưng là không ai biết, sớm ấy 1 mình em đứng đó 3 tiếng đồng hồ mới dám bước vào cổng trường; 1 mình em xách đồ đi đi lại lại; 1 mình em làm tất cả thủ tục cần có của tân sinh viên; trong lớp học hôm ấy, duy nhất mình em ngồi bên cạnh không có phụ huynh. Cũng không một ai biết rằng, sau tin nhắn báo bình an cho bố mẹ, em đã không dám bật nguồn điện thoại vì sợ những cuộc gọi quan tâm từ gia đình, em sợ chỉ cần nghe thấy thôi là sẽ bỏ đi những sợ hãi này mà về nhà. Và duy nhất mình em biết, dù có khóc cũng không ai trong những người xung quanh sẽ bước ra và nói rằng “đây là con gái tôi đang mệt mỏi rồi”,  sau đó nắm tay em an ủi. Không ai biết một mình em đã tủi thân như thế giữa thành phố nhộn nhịp với những bạn học có gia đình đưa đón. Em chính là đã từng như thế đấy.

Tối đến, nhìn ra bóng đêm ngoài hành lang, nghe tiếng nghẹn ngào đang kìm nén của mẹ qua điện thoại, em đã khóc. Em bỏ đi sự ngại ngùng với các bạn mà khóc to như một đứa trẻ. Em biết, em đâu mạnh mẽ đến thế, em cũng là con gái được ông bà, bố mẹ bao bọc như các bạn học hôm nay.

Em cũng biết lòng người đều yếu ớt, bản thân một người tủi thân nhưng vẫn luôn có thể giữ vững nụ cười như cách mà cả ngày đấy em can đảm chịu đựng, chỉ là khi có người hỏi thăm, nước mắt lại không nhịn được mà rơi xuống. Mặc những tiếng nghẹn ngào của mẹ với bà, tiếng dỗ dành an ủi từ khoảng cách hàng Kilômét làm em phát ra những tủi thân mà em đã chịu đựng cả ngày. Chưa bao giờ em cảm thấy mình muốn từ bỏ như lúc này. Em muốn nói với bố mẹ là em muốn về, nhưng em sợ, em sợ rằng nếu hôm nay về thì mai này, ai sẽ là người giữ niềm tin và hy vọng của cả nhà đây? Em là niềm tin, là hy vọng của gia đình và em còn ước mơ em đang dang dở, ước mơ viết tiếp thay chị em, thay em trai em. Em muốn chạm vào ước mơ ấy.

Lúa chín quê em

Em biết bố mẹ yêu em và em cũng nhận thức được ước mơ của em là rất lớn. Sự lớn lao của ước mơ có thể đánh đổi bằng 4 năm vất vả, cực nhọc của bố mẹ và hơn hết phải là sự nỗ lực không ngừng nghỉ của em. Trong mắt em, hình ảnh bố mẹ nhiều nhất là bận rộn, lam lũ với những giọt mồ hôi nặng hạt rớt xuống. Nương xa như thế, nhưng bố mẹ cùng người dân nơi đây đã đi lại vô số lần. Đồng ruộng mênh mông là thế, cũng là mỗi năm những tấm thân này đã dãi nắng dầm mưa mà chạy tất bật. Thế nên em mới gắng bước đi trên con đường mới này, em muốn thay đổi những vất vả ấy, ít nhất dù chỉ là một chút.

Nhiều lần nhìn các bạn cùng phòng về quê, em lại ao ước mình cũng sẽ đến ngày trở về nhà. Có người từng nói:  “cõi đời này, khắp nơi luôn có người tính toán ngươi, nhưng cũng có người chân tâm thật ý mà vì ngươi chào đón, mặc kệ ngươi đã làm gì”. Nơi em muốn trở về chính là có những người chân tâm thật ý như thế, có những người yêu em như sinh mệnh của họ vậy.

Đường dù xa cuối cùng vẫn phải đi tới cùng. Năm nay em đã là sinh viên năm 3, em cũng đã như thế mà trải qua 3 năm rồi đấy. Em vẫn đang cố gắng làm tốt nhất có thể trên con đường mà em tin nó sẽ đưa em chạm đến ước mơ.

Tự hào nữ sinh người dân tộc Thái Đen

Ba năm, 3 năm em đã sống giữa lòng thành phố này, mơ ước nhiều và nỗ lực cũng nhiều. Mỗi lần thả mình ngắm nhìn những lung linh của thành phố này, trong em lại vẫn thấy yêu quê nhà ở nơi xa kia nhiều hơn. Em thích cái loại nhà sàn gỗ, ngói tôn nhu hòa ở nơi xa kia, nắng mưa cũng là bộ dáng hiên ngang, hiền hòa, nhìn trong lòng liền cực kỳ thoải mái, ấm áp.

Nơi em sống có những ngôi nhà sàn như thế, sừng sững đứng giữa khung cảnh hùng vĩ của núi rừng. Nơi em sống cũng có mùa lúa xanh nhuộm đồng, lúc chín vàng thơm cả vùng. Thi thoảng có những tiếng trẻ con chạy nhảy giữa những quả đồi bát ngát khi đi chăn gia súc. Tiếng gọi í ới từ nhà này qua nhà khác của những bà mẹ gọi con về nhà… Thi thoảng tiếng những chiếc xe 4 bánh đi qua quốc lộ, có những chiếc xe mang theo những  người đi xa lập nghiệp, mưu sinh, cũng có những chiếc xe chở theo những người trở về sau những ngày dài xa cách… Đó là Tây Bắc quê em đấy. Tây Bắc mà mỗi lần em kể, các bạn cùng phòng đều mong một lần được lên để ngắm nhìn.

Nhìn ra cửa sổ, em thấy ánh hoàng hôn đang lặn dần sau những tòa nhà cao đẹp của Hà Nội, báo hiệu một ngày đã qua. Có những tấm kính lung linh, phản nhiệt của hoàng hôn, có sự sáng chói và quanh quẩn bên tai những tiếng xe cộ đang còi, đang chạy rầm rộ y như cái sự vội vã vốn có của thành phố này.

Mặt trời đỏ rực sau lưng núi, khuất dần và lặn hẳn.

Em nhớ đến hoàng hôn quê em, dù lặn xuống sau những ngọn núi cao cũng là khung cảnh hiền hòa, có chút mát mẻ của gió trời núi rừng, có nhiều hơn là cảm giác thanh bình với những khói bếp lượn lờ bên chân núi. Đó cũng là kết thúc một ngày, là một khung cảnh khác và cảm giác khác, cũng là một kết thúc nhưng là kết thúc tốt đẹp. Phóng tầm mắt ra xa kia là những bông hoa rừng bên núi đang nở trên đất đá, nó đang ngày ngày vươn mình lên trong những gai góc để hướng đến ánh mặt trời đang ngày ngày mọc rồi lặn. Em có chút giật mình, thì ra trong mắt em, những bông hoa rừng vẫn có sức sống và xinh đẹp hơn nhiều những chậu cây, hoa cảnh đằng sau tấm kính, treo trước cửa sổ nhà đối diện.

Hà Nội có bóng chiều đổ lên những tòa nhà cao lớn, vững chắc. Còn ở quê em, mỗi buổi chiều bình yên nơi bản làng ấy sẽ là bóng chiều đang đổ dài theo những bước chân của bố mẹ trở về.

Đó là quê em, một quê nhà bình dị và ấm áp, giống như nắm xôi của bà, vô cùng bình thường nhưng cả đời gắn bó.

Bài dự thi cuộc thi Tự hào nữ sinh người dân tộc thiểu số

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Categories Bình đẳng giới/Góc chia sẻ/Nữ sinh dân tộc thiểu số/Phóng viên nhỏ/Tin tức - Sự kiện

Tác giả: Dự án Nữ sinh

Trả lời Minh Luyến Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *